Hộ gia đình anh Lý Quẩy Tình, ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn ra ở riêng được hơn 5 năm nay. Quanh quẩn với 1 vụ lúa, vụ ngô, dù chăm chỉ cố gắng làm ăn, nhưng gia đình anh vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2018, anh Tình đã chủ động viết đơn gửi lên xã để xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa với việc sẽ khó khăn hơn khi không còn các khoản hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, anh Tình tin đây là một quyết định đúng đắn, là cơ hội để gia đình anh xóa bỏ mặc cảm, có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.
“Mình có sức lao động, không ngại vất vả, thì không có lý do gì mang theo tiếng hộ nghèo. Mỗi lần đi lĩnh hỗ trợ của Nhà nước, thấy xấu hổ với bà con trong thôn lắm. Vợ mình cũng rất ủng hộ việc xin xã ra khỏi hộ nghèo, cũng không lo lắm vì mình có đất, có sức lao động chỉ cần cố gắng là sẽ khá lên thôi”, anh Tình tâm sự.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thôn Tà Chải có 14 hộ chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đặc biệt, không chỉ là những thanh niên như anh Tình mới có suy nghĩ quyết tâm ra khỏi hộ nghèo mà kể cả những người cao tuổi trong thôn, cũng ủng hộ nhiệt tình tư tưởng này, động viên con cháu chủ động để thoát khỏi cái đói, cái nghèo đã đeo đuổi từ bao năm nay. Điển hình như ông Lý Phù Kinh, năm nay đã hơn 60 tuổi, cuộc sống khó khăn nhưng ông cùng gia đình cũng tình nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Trong thôn còn nhiều hộ khó khăn hơn, mình còn làm ruộng, làm nương được nên muốn xin ra khỏi hộ nghèo nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho người khác khó khăn hơn”.
Điều đáng phấn khởi, trong đơn các hộ dân không chỉ đề cập việc xin được ra khỏi diện hộ nghèo, mà các hộ còn nêu rõ hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Ông Lý Phù Siệu, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Năm 2017, toàn xã Tả Phìn có 70 hộ làm đơn và trong số này có 80% hộ gia đình đã thoát nghèo thành công. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có thêm 60 hộ dân tiếp tục đăng ký ra khỏi hộ nghèo. Với cách làm và hướng đi đúng trong xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Phìn giảm dần qua từng năm; tính đến hết năm 2017, Tả Phìn chỉ còn 20% hộ nghèo trong tổng số hơn 700 hộ dân toàn xã. Dự kiến đến cuối năm, xã tiến hành xét duyệt, những hộ thực sự đã vượt ngưỡng đói nghèo thì xã cũng mới công nhận thoát nghèo, chứ không phải cứ viết đơn xin là được chấp nhận vì nhiều hộ cũng thực sự còn khó khăn.
“Để ủng hộ quyết tâm này của bà con, chính quyền địa phương đã tiến hành kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ cây, con giống để các hộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững và hiệu quả”, ông Siệu cho biết thêm.
Cũng theo Bí thư Lý Phù Siệu, một trong những cây trồng đang là thế mạnh của bà con là hoa lan. Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động dồi dào ở địa phương, xã Tả Phìn đã chọn cây hoa lan là mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp xóa nghèo hiệu quả. Hiện nay, tại xã Tả Phìn có khoảng 500 hộ trồng hoa địa lan, với khoảng 20 nghìn chậu hoa lan các loại. Hàng năm, các hộ dân xã Tả Phìn cung cấp cho thị trường khoảng 70% số lượng hoa địa lan của Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán, thu về hàng chục tỷ đồng. Nhờ trồng hoa địa lan, nhiều hộ ở Tả Phìn đã thoát nghèo và làm giàu từ hoa lan.
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang dần được đẩy lùi tại các thôn bản vùng cao của Lào Cai. Trong đó, việc các hộ đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa xin ra khỏi diện hộ nghèo và chủ động kế hoạch phát triển kinh tế gia đình là quyết định rất đáng trân trọng và hoàn toàn khả thi. Khi mặc cảm về đói nghèo được xóa bỏ, sẽ là động lực mạnh mẽ để bà con vươn lên mở hướng làm ăn, giảm nghèo một cách bền vững.
TRỌNG BẢO