Sáng ngày hôm sau (27/3), rất nhiều cơ quan báo chí đưa tin: UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ khởi động dự án Trường Sơn xanh. Với nguồn tài trợ gần 24 triệu USD, USAID sẽ hỗ trợ cho 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế (trong đó Quảng Nam hơn 14 triệu USD) nhằm cải thiện công tác quản lý 400 nghìn héc ta rừng nhiệt đới và bảo tồn các loài thực vật, động vật quý hiếm toàn cầu đang hiện hữu ở khu rừng này.
Xem tin, ai cũng khấp khởi mừng. Mừng là đúng bởi như vậy chắc chắn Quảng Nam sẽ không còn tình trạng máu rừng bị chảy; “lá phổi xanh” sẽ được bảo vệ.
Đùng một cái, chiều 28/3, đầu tiên là trên tờ Quảng Nam online, sau đó rất nhiều cơ quan báo chí khác đồng loạt đưa tin: Rừng Quảng Nam lại “chảy máu”!.
Cụ thể, chỉ trong tháng 3/2018, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 3 vụ phá rừng quy mô lớn tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Vụ thứ nhất là ngày 7/3, 33 cây gỗ lim xanh cổ thụ, 1 cây xoan đào ở Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val (Nam Giang) bị chặt hạ. Kế đó, ngày 08/3, 45,6m3 (từ nhóm III đến nhóm VII) trên địa bàn xã Tà Lu và Zà Hung (Đông Giang) cũng bị khai thác trái phép.
Gần nhất là ngày 15/3, 5 cây giổi hương và lim xanh có đường kính từ 55cm đến 1,35m đã bị cưa hạ, khối lượng ước khoảng 30m3 tại khu vực giáp ranh giữa 3 xã Zuôih, Tà Pơơ và xã Lăng (huyện Nam Giang).
Rõ ràng, việc phá rừng không thể thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ. Các đối tượng dùng cả công cụ, máy móc để chặt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Khó có thể lý giải rằng, tình trạng phá rừng diễn ra trầm trọng như vậy nhưng lực lượng chức năng địa phương không biết.
Đây là góc khuất phải được soi rõ nếu muốn rừng không còn “chảy máu”.