Hành động cực đoan
Ngày 26/5, một cây phượng cao gần 10m ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ bật gốc, đổ đè trúng nhiều học sinh, làm 1 em tử vong và hàng chục em bị thương. Mới đây nhất, chiều 4/6, một cây phượng 20 năm tuổi tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) bị đổ khiến 3 nữ sinh bị thương nhẹ.
Sau khi 2 vụ việc này xảy ra, không ít cơ sở giáo dục trên cả nước đã tiến hành chặt, nhổ cây xanh trong khuôn viên, đặc biệt là những cây cổ thụ, với suy nghĩ “thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót”. Ở Trường THPT Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), 2 cây xà cừ có tuổi đời hàng chục năm bị chặt bỏ gần như hết các cành lá khiến nhiều thế hệ học sinh và giáo viên tiếc nuối.
Tại Trường Mầm non Hoa Sen, phường Hưng Bình, TP. Vinh (Nghệ An), các phụ huynh cũng bất ngờ khi 2 cây phượng vĩ xanh tốt trước cổng trường bị chặt hạ. Thay vào đó là 2 cây xanh vừa được trồng mới, chưa có lá cành; giữa nền nhiệt lên đến 37 - 38oC, ngôi trường càng thêm quay quắt trong nắng nóng.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều cây xanh ở Trường Mẫu giáo Hương Sen (quận Phú Nhuận) được hạ độ cao “cào bằng” xuống còn 3 - 4m. Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi hơn 10 cây hoàng nam, bồ đề, si... bị chặt “trụi lủi”, chỉ còn loe hoe vài chiếc lá. Tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), khoảng 3 cây cổ thụ to cao giữa sân trường cũng được “tỉa nhánh” sát vào thân, nhìn cây không còn sức sống…
Giữ không gian xanh và an toàn
Việc nhiều cơ sở giáo dục đã tiến hành cắt, chặt cây xanh trong khuôn viên trường sau những sự cố cây đổ là quá cứng nhắc, nếu không muốn nói là lãnh đạo các trường đó… sợ trách nhiệm. Đây cũng là lý do để Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An kỷ luật Ban Giám hiệu Trường THPT Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc.
Việc chặt hạ cây xanh trong khuôn viên trường không thể được lý giải ở góc độ là để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên. Việc trồng cây xanh trong khuôn viên trường học là một việc làm có nhiều ý nghĩa, không chỉ hình thành cảnh quan, tạo bóng mát, phục vụ cho các hoạt động ngoại khóa, việc trồng cây xanh còn góp phần xây dựng ở học sinh ý thức bảo vệ môi trường.
Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, có quy định rõ về các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý. Theo đó, khi cây trong khuôn viên trường học bị gãy, đổ gây thiệt hại thì người đầu tiên được xác định phải chịu trách nhiệm là Hiệu trưởng.
Tuy nhiên, đó là trên nguyên tắc, còn trên thực tế, việc cây xanh gãy đổ là sự kiện bất khả kháng, tức là sự kiện xảy ra không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do vậy, nếu trước khi cây xanh bị gãy, đổ mà nhà trường đã làm mọi biện pháp như thường xuyên kiểm tra để phát hiện mối mọt hay cây bị rỗng, cắt tỉa các cành cây, bảo vệ, chăm sóc cây, hoặc đã báo với đơn vị liên quan đến quản lý cây xanh đô thị để xử lý nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn; đã làm hết khả năng, trách nhiệm để phòng ngừa nhưng do mưa to, gió lớn mà cây xanh bị gãy, đổ, gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường. Do đó, lãnh đạo các trường học không nên quá lo lắng đến nỗi cho chặt trụi cây xanh trong sân trường, vì như vậy là không cần thiết.