Được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, buổi tọa đàm trực tuyến giới thiệu giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, các doanh nghiệp Bkav, VNPT, Viettel; các cơ quan báo chí truyền thông; cùng đại diện Sở TT&TT, Y tế và Công an tỉnh, thành phố của 63 địa phương.
Một trong những nội dung trọng tâm của buổi tọa đàm này là các thông tin liên quan đến ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 quốc gia PC-Covid.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thống nhất, phát triển 1 ứng dụng phòng chống dịch duy nhất, dưới sự chủ trì của 3 Bộ Y tế, Công an và TT&TT, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã phối hợp cùng các doanh nghiệp gấp rút phát triển ứng dụng chính thức của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.
Được phát triển nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, để Việt Nam có thể “bình thường mới”, ứng dụng PC-Covid có các tính năng chính như: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm, Quét mã QR, Khai báo y tế, Khai báo di chuyển nội địa, Phản ánh của người dân, Thông tin tiêm vắc xin, Thông tin xét nghiệm, Thẻ Covid-19, Truy vết tiếp xúc gần, Mật độ di chuyển, Xu hướng lây nhiễm, Bản đồ nguy cơ...
Việc sử dụng ứng dụng PC-Covid được nhận định sẽ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong các hoạt động thường ngày, thuận lợi hơn khi tham gia phòng chống dịch.
Từ ngày 30/9, ứng dụng PC-Covid đã có trên 2 kho ứng dụng Apple Store và Google Play. Nếu người dùng đã từng cài Bluezone, chỉ cần cập nhật bản 4.0 thì ứng dụng sẽ tự động chuyển đổi thành PC-Covid.
Trường hợp chưa từng cài Bluezone trên điện thoại, người dùng cần tải ứng dụng PC-Covid trên Apple Store (với người dùng iPhone) và trên CH Play (với người dùng điện thoại hệ điều hành Android). Ngoài ra, người dùng có thể cài đặt file ứng dụng tại địa chỉ pccovid.gov.vn để sử dụng.
Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia - đơn vị được giao đảm trách vận hành PC-Covid - ứng dụng PC-Covid chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Dữ liệu của người dùng phục vụ phân tích, truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi cơ quan Chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe và chống dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.
Nhiều nội dung khác liên quan đến các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, trong đó có ứng dụng PC-Covid sẽ được đại diện các Bộ Y tế, TT&TT, Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi, thông tin tại buổi tọa đàm chiều nay.
PC-Covid có gì?
Ứng dụng PC-Covid là ứng dụng tổng hợp các tính năng hiện có của các app (ứng dụng) chống dịch Covid như NCOVI, Bluezone, VHD, Covid-19…và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất cho người dùng. Về cơ bản, PC-Covid là tổng hợp các tính năng: Khai báo y tế; Phản ánh; Quét mã QR; Tiếp xúc gần; Thông tin tiêm, xét nghiệm...
Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, để PC-Covid nhanh chóng đến với người dân, cách tốt nhất là lựa chọn các ứng dụng hiện tại để nâng cấp lên. Bluezone đang có nhiều lượt cài nhất, với 20 triệu người dùng. Ứng dụng NCOVI có lượt cài thấp hơn, với gần 10 triệu người dùng. Do đó PC-Covid đã được thống nhất sẽ thay thế Bluezone. Như vậy, những người đang cài ứng dụng Bluezone khi nâng cấp thì sẽ có luôn PC-Covid. Điều này giúp tránh phải lặp lại các biện pháp truyền thông không cần thiết mà có thể làm phiền người dân.
Về mã nguồn của PC-Covid, các thành phần quản lý tiếp xúc gần, quét mã QR là nâng cấp từ Bluezone. Đây cũng là phần Bluezone làm tốt. Phần Khai báo y tế được làm mới theo biểu mẫu mới của Bộ Y tế hướng dẫn (sẽ giống với Tokhaiyte.vn). Phần Phản ánhđược làm mới hoàn toàn. Thông tin tiêm thì liên thông với nền tảng tiêm chủng; và thông tin xét nghiệm thì liên thông với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến...
Có thể thấy rằng, cơ bản là những tính năng đang chạy tốt ở các app thì sẽ được thiết kế lại cho thuận tiện nhất có thể để đưa vào PC-Covid.
Tuy nhiên, nếu đánh giá PC-Covid mà chỉ dựa vào nguồn của ứng dụng sẽ là thiếu sót lớn. Đằng sau nó chính là những hệ thống backend, nền tảng rất lớn, những quy trình nghiệp vụ y tế phức tạp.
App PC-Covid chỉ là phần nhỏ nổi lên. Bên dưới nó là nhiều nền tảng lớn khác nhau. Ví dụ: Chỉ hiển thị thông tin tiêm thì bên dưới đó là Nền tảng tiêm chủng; chỉ để hiển thị lượt quét mã QR thì dưới đó là Nền tảng cung cấp và quản lý mã QR đứng sau. Vì vậy, nếu app nào đang có lượt tải cao hơn thì cũng sẽ chọn để thay thế và nâng cấp từ đó.
Để PC-Covid hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và của chính người dân.
Đại diện khẳng định, ứng dụng PC-Covid không đơn thuần chỉ là bản nâng cấp của Bluezone. Như đã giới thiệu ở trên, PC-Covid đằng sau nó là nhiều nền tảng lớn, chỉ 1 thông tin hiển thị lên đó cũng phải có 1 hệ thống với những quy trình nghiệp vụ phức tạp. Cũng chính vì lý do này, khi đưa PC-Covid lên các kho ứng dụng, cả Google và Apple đều thẩm định kỹ và duyệt lâu.
Đối với các ứng dụng khác, Trung tâm đã có kế hoạch cụ thể.
Trước tiên sẽ thông báo cho toàn bộ người dùng về app PC-Covid, về kế hoạch gỡ app ra khỏi kho ứng dụng. Sau đó, một thời gian sẽ cho app ngừng hoạt động và chuyển toàn bộ dữ liệu thống nhất với PC-Covid. Các app này sẽ không lập tức đóng và ngừng hoạt động vì có thể nhiều người dân, nhiều cơ quan đang dùng hàng ngày, cần có thời gian cho người dùng chuyển đổi.
Hiện nay, để hỗ trợ triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm đã xây dựng, kết nối mạng lưới nhân sự triển khai tại 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
“Bên cạnh đó, hiện nay chúng tôi đang thử nghiệm và dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dùng cho ứng dụng PC-Covid”, đại diện Trung tâm cho hay.
Tại sao PC-Covid đòi hỏi nhiều quyền truy cập?
Nhiều người dùng tại Việt Nam đã tải hoặc nâng cấp ngay khi PC-Covid có mặt trên các kho ứng dụng. Và một số người phản ánh rằng ứng dụng đòi hỏi nhiều quyền truy cập. Lý giải về vấn đề này, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết: việc truy cập quyền ứng dụng chỉ phục vụ cho yêu cầu phòng chống dịch và theo đúng tuyên bố của ứng dụng.
Theo chia sẻ từ đội ngũ phát triển, cả Google và Apple đều có chính sách kiểm soát quyền rất chặt chẽ. Các ứng dụng đều giải thích công khai việc minh khai thác những quyền này. Đồng thời, các yêu cầu quyền truy cập xảy ra với hệ điều hành khác nhau phụ thuộc chính sách của mỗi hệ điều hành.
Cụ thể, khi tải và sử dụng, ứng dụng PC-Covid có thể sẽ yêu cầu người dùng cấp các quyền như: Khai thác tín hiệu Bluetooth; Quyền truy cập vị trí; Quyền truy cập thông báo (tối ưu hóa hạn chế pin bởi ứng dụng mong muốn được chạy standby hàng ngày); Truy cập camera (để có thể quét mã QR)… Ở mỗi hệ điều hành, các yêu cầu truy cập có thể được gắn với nhau thành từng cụm nên dẫn đến hiện tượng nói trên.
Chẳng hạn, khi người dùng cài đặt đặt ứng dụng PC-Covid trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền truy cập vị trí, là do chính sách của Google, khi bật Bluetooth BLE máy tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, PC-Covid không sử dụng tới quyền đó.
Ứng dụng PC-Covid chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Đối với quyền truy cập các video, âm thanh hay file lưu trữ ở nền tảng Android, phía Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết: Để người dùng có thể lưu được ảnh mã QR về điện thoại và sử dụng khi cần thiết thì phải được quyền truy cập kho ảnh. Theo chính sách của hệ điều hành Android, quyền này được gắn với quyền truy cập các file âm thanh, lưu trữ. Do đó, dù không sử dụng dữ liệu video, âm thanh… nhưng để có thể lưu trữ mã QR vào kho ảnh thì cần phải cấp quyền truy cập theo chính sách của nền tảng.
Cá biệt, quyền truy cập SMS chỉ xảy ra đối với dòng điện thoại Xiaomi. Lý do là hệ điều hành này có chính sách gắn quyền SMS vào cụm quyền ảnh, âm thanh và lưu trữ.
Trung tâm cũng khẳng định, bất cứ ứng dụng nào đều yêu cầu các quyền này như PC-Covid nếu có tính năng tương tự.
Đội ngũ phát triển vẫn đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các tính năng cũng như khắc phục vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình chuyển đổi, cập nhật dữ liệu. Trong ngày 30/9, đã có hơn 1,7 triệu lượt truy vấn dù hệ thống đang trong quá trình chuyển đổi nên có phát sinh lỗi kỹ thuật. Hiện nay, các vấn đề đó đã dần được khắc phục.
Ra mắt nền tảng cho phép người dân phản ánh về PC-Covid trong tuần tới
Cập nhật thông tin về các giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết: Từ khi được thành lập vào tháng 6 đến nay, Trung tâm đã triển khai được một số nền tảng công nghệ. Các nền tảng này đã trải qua các giai đoạn: Ghi nhận yêu cầu, xây dựng, hoàn thiện, làm mịn và tiếp đó lại phát sinh yêu cầu, phát triển thêm.
Trải qua nhiều chu kỳ, đến nay đã hình thành một hệ sinh thái công nghệ phòng chống dịch, với 7 nền tảng chính khép kín chu trình các nghiệp vụ y tế, bao gồm: khai báo y tế, xử lý phản ánh, kiểm soát vào ra bằng mã QR, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, hỗ trợ truy vết, quản lý cách ly, quản lý tiêm chủng.
Ngoài ra, còn có các nền tảng khác như: hỗ trợ điều phối xe cấp cứu; hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; đánh giá mức độ tuân thủ giãn cách; hỗ trợ phát hiện người nhập cảnh trái phép; dashboard, báo cáo, thống kê, phân tích dữ liệu…
Thực tế, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 gần 2 năm qua, công nghệ đã có những đóng góp tích cực, là một trong những biện pháp then chốt giúp đẩy lùi dịch bệnh để sớm đưa Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Đại diện Bộ TT&TT cho biết: Trong triển khai, yếu tố công nghệ quyết định 20%, còn mô hình tổ chức triển khai, sự đồng thuận triển khai chiếm tới 80% sự thành công.
Trong 80% liên quan đến mô hình tổ chức triển khai, có một phần rất quan trọng là dữ liệu. Đội ngũ làm công nghệ không tự sinh ra, tự nghĩ ra dữ liệu; mà dữ liệu phục vụ phòng chống dịch đến người dùng, từ các cơ quan quản lý, và đến từ các bộ, ngành, địa phương, không phải là nỗ lực riêng của một bộ, một ngành nào. Vì thế, cần phân biệt tường minh các lỗi, đâu là lỗi của công nghệ, đâu là khiếm khuyết của mô hình tổ chức triển khai, đâu là khiếm khuyết của dữ liệu. Có như vậy, các vấn đề mới được các cơ quan, đơn vị giải quyết, xử lý./.