Thay đổi phương thức sản xuấtTánh Linh là huyện còn nhiều khó khăn nhưng cũng được xác định là vựa lúa quan trọng của Bình Thuận. Nhiều năm qua, cộng đồng các dân tộc Kinh, Chăm, Cơ-ho, Raglai… sinh sống trên địa bàn huyện quen với tập quán canh tác cũ. Những thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế nhiều đến năng suất.
Để tạo đột phá cho người nông dân Tánh Linh (Bình Thuận) đặt ra chiến lược đến năm 2025 sẽ hình thành những cánh đồng lúa chất lượng cao trên diện tích 3.000ha. Từ cuối năm 2017, nhiều giống lúa mới đã được đưa vào ứng dụng gieo trồng như: OM6162, OM4900, OM9921…
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tánh Linh thì: Chính sách phát triển cánh đồng lúa chất lượng cao ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện là một hướng đột phá tạo nên sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân. Đến đầu năm 2018, Tánh Linh đã triển khai được trên 300ha đồng lúa chất lượng cao ở các địa điểm như; thị trấn Lạc Tánh, xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đức Bình… Bước đầu người dân, nhất là các hộ DTTS còn bỡ ngỡ nhưng khi được giải thích cặn kẽ đã dần thay đổi nếp nghĩ, làm quen với phương thức sản xuất mới.
Song hành với những cánh đồng lúa chất lượng cao thì liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp) được thắt chặt. Chính quyền các cấp ở Tánh Linh định hướng phát triển, vận động người dân tham gia. Khi tham gia, các nhà khoa học sẽ đến tận nhà, tận ruộng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, cách chăm sóc, gieo trồng giống lúa mới. Doanh nghiệp cũng đồng hành hỗ trợ phân bón, tiền giống và cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định. Ông Cao Văn Lung, nông dân sản xuất giỏi người Raglai ở xã Bắc Ruộng phấn khởi cho biết: Từ những vụ mùa bội thu nhờ các giống lúa mới, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác, nhờ thực hiện cơ giới hóa sản xuất nên chất lượng lúa gạo thương phẩm lại tăng lên, được doanh nghiệp thua mua ngay, người dân đã thấy rõ lợi ích khi tham gia sản xuất nông nghiệp theo định hướng đồng lúa chất lượng cao.
Mở ra nhiều hy vọngNhiều người tham gia mô hình đồng lúa chất lượng cao đã vươn lên thoát nghèo. Ông Hồ Quang Hùng, ở thị trấn Lạc Tánh là một điển hình. Ông Hùng tự tin: Gia đình được vận động đưa gần 10ha lúa truyền thống của gia đình tham gia mô hình cánh đồng chất lượng cao. Giống lúa OM9921 đưa vào sản xuất đã được kiểm định chặt chẽ. Áp dụng đúng hướng dẫn của các nhà khoa học thì giống lúa mới này cho năng suất 8-9 tấn/ha, gấp đôi lúa truyền thống. Trung bình mỗi ha người dân có thể thu lời trên 20 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Chất lượng lúa có thể đưa đi xuất khẩu và được doanh nghiệp đến tận nhà đặt mua. Chính vậy, nên chẳng mấy chốc cuộc sống sẽ khấm khá.
Ông Trương Duy Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Tánh cho biết: Kỹ thuật thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa chất lượng cao đã được chuyển giao đến nhiều hộ dân. Năm 2018, thị trấn Lạc Tánh đang triển khai 50ha đồng lúa chất lượng cao với 70 hộ tham gia. Các hộ dân này đều được tập huấn kỹ thuật nhuần nhuyễn nên sẽ hạn chế được tối đa mọi rủi ro.
Ông Ka Mỉnh một trong những người Cơ-ho xông xáo tham gia mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Huy Khiêm đúc rút ra rằng: Cứ làm đúng theo chủ trương của Nhà nước, không ỷ lại, không bám vào thói quen canh tác cũ lạc hậu thì cuộc sống sẽ ấm no lên. Trước đây cứ gieo sạ xuống rồi lúc nào thấy lúa bệnh nặng hoặc vàng khè mới vội vàng phun thuốc. Có năm sâu bệnh liên miên nên mất mùa, thiếu thốn. Giờ tham gia mô hình cánh đồng chất lượng cao, gieo trồng có máy móc, thu hoạch cũng có lịch trình, bón phân hay xả nước cũng vậy nên cây lúa cứ lên xanh tạo nên những vụ mùa bội thu. Gia đình chúng tôi đưa 2ha tham gia mô hình mới, năm 2017 đã lời được mấy chục triệu đồng. Nhiều người Cơ-ho, Raglai, ChơRo ở các vùng lân cận cũng đang dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
HƯNG - NGA