Trong hàng loạt chính sách đã và đang được triển khai, Nghị quyết số 06 ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để cho vay phát triển kinh tế - xã hội, tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên giai đoạn 2019 - 2025 (viết tắt Nghị quyết 06-PV), đang thực sự phát huy hiệu quả, góp phần mang lại cuộc sống no ấm, khá giả cho nhiều hộ đồng bào DTTDS ở các xã này.
Năm 2019, hộ gia đình anh Chấu Seo Tỉn, dân tộc Mông ở thôn Sín Chải A được vay 78 triệu đồng từ nguồn vốn vay ủy thác theo Nghị quyết 06. Với số vốn được vay, anh Tỉn đã dùng chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình; cải tạo và trồng mới 3.000 gốc quýt sen canh. Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, cũng như được chăm sóc tốt, nên một phần diện tích quýt của gia đình, trồng lứa đầu đã cho thu hoạch. Gia đình anh thu về hơn 45 triệu đồng từ tiền bán quýt.
Năm 2021 này, 100% diện tích quýt đều đã cho quả, nên dự kiến có thể thu về khoảng hơn 70 triệu đồng. Ngoài cây quýt, gia đình anh Tỉn còn có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng từ tiền bán sa nhân. Từ một hộ còn nhiều khó khăn, hiện gia đình anh Tỉn đã trở thành hộ khá của xã.
“Với số tiền vay này, mỗi tháng chỉ phải trả 420.000 đồng tiền lãi nên gia đình rất an tâm, phấn khởi sản xuất. Những chính sách vay ưu đãi như thế này, rất hiệu quả nên bà con mong muốn chính sách được mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện cho các hộ phát triển, mở rộng sản xuất”, anh Tỉn chia sẻ.
Ông Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã Tả Ngải Chồ cho biết: Tả Ngải Chồ là 1 trong 10 xã khó khăn nhất tỉnh Lào Cai; và là 1 trong 5 xã khó khăn nhất huyện Mường Khương. Toàn xã hiện có 592 hộ với 3.100 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Hiện tại, xã có 43 hộ đang được vay từ nguồn vốn vay ủy thác. Đây là nguồn lực rất quan trọng, giúp rất nhiều hộ có tư duy phát triển kinh tế, nhưng thiếu vốn, hoặc muốn mở rộng mô hình kinh tế tăng thu nhập.
“Nếu là hộ nghèo trong xã, thì bà con đã được vay theo chính sách cho vay hộ nghèo. Còn với nguồn vốn này, là không hạn chế đối tượng vay, miễn là người dân sinh sống và có hộ khẩu tại xã thì có thể được xét cho vay. Hiện nay, xã đã giải quyết cho khoảng 40 hộ được vay nguồn vốn này, trong đó có cả những hộ khá giả. Xã cũng lấy đây là các mô hình điểm để cho bà con học tập, làm theo”, ông Sùng Seo Sà, cho biết thêm.
Hiện tại, huyện Mường Khương có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này; Tổng dư nợ hiện đạt gần 18 tỷ đồng, với khoảng 400 khách hàng. Sau khi giải ngân, các đơn vị nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích để nâng cao hiệu quả vốn vay.
Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn giải ngân, trước khi cho vay, Ngân hàng CSXH huyện Mường Khương đã tiến hành kiểm tra phương án sản xuất có tính hiệu quả, khả thi hay không. Sau khi cho vay, hàng tháng, hàng quý đều có cán bộ ngân hàng về kiểm tra việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không.
"Những năm qua, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách nói chung, nguồn vốn vay theo Nghị quyết 06 nói riêng được bảo đảm, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên, các hộ dân rất phấn khởi, an tâm sản xuất”, ông Vũ Đức Minh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Khương thông tin.
Theo Nghị quyết 06, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 37 xã đang được triển khai nguồn vốn vay ưu đãi này. Trong đó, mỗi xã được cấp số tiền tối thiểu 1 tỷ đồng, mỗi hộ được vay tối thiểu là 50 triệu đồng. Qua 3 năm triển khai (bắt đầu từ 2019) đến nay, đã có gần 70 tỷ đồng được tỉnh Lào Cai chuyển qua Ngân hàng CSXH giải ngân cho 1.193 hộ dân vay. Riêng trong năm 2021, có 677 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay này.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai cho biết: Qua kiểm tra hàng năm, nguồn vốn này được bà con nông dân sử dụng rất hiệu quả, nhiều mô hình được các hộ vay tiếp cận và hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa, như: Quýt Mường Khương, lợn đen bản địa, cây dược liệu…
“Việc người dân vay nguồn vốn này không còn là vay để xóa đói giảm nghèo, mà còn để làm giàu. Qua tìn hiểu thì nhu cầu nguồn vốn vay ưu đãi này của bà con còn rất lớn, chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với tỉnh Lào Cai, nếu có thể cân đối từ nguồn ngân sách địa phương nên tiếp tục tăng nguồn ủy thác này. Hiện mỗi xã đang được cấp 1 tỷ đồng/năm, nhưng nếu có thể thì tăng định mức này lên, để thêm nhiều người dân được tiếp cận. Như vậy, cũng có nghĩa là, sẽ có thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên khá, giàu trong thời gian tới”, bà Thu phân tích.