Ưu tiên công tác tuyên truyền, vận động
Năm 2022, Dự án 8 về thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thực hiện tại Nghệ An được bố trí hơn 9 tỷ đồng vốn sự nghiệp; trong đó, phân bổ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hơn 2,7 tỷ đồng, phân bổ cho 11 huyện thuộc dự án 8 là hơn 6,3 tỷ đồng.
Để giải ngân vốn kịp thời, cũng như triển khai thực hiện dự án có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng và ưu tiên cho công tác tuyên truyền, vận động để từ đó làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành động của toàn xã hội về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em.
Đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng phóng sự bằng tiếng dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc tại các cuộc truyền thông. Nhờ vậy, việc tuyên truyền đã sát từng đối tượng hơn, mỗi người đều dễ dàng hiểu, nhớ và thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
Song song đó, Hội LHPN cấp tỉnh cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn Chương trình 2 về phát triển năng lực lồng ghép giới cho 100 cán bộ cấp tỉnh, huyện là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội LHPN tỉnh, UBND, các phòng và Hội LHPN các huyện; tổ chức 3 lớp tập huấn về nội dung này cho 320 cán bộ cấp xã là công chức văn hóa - xã hội, Tư pháp, Hội LHPN các xã tại 11 huyện.
Đáng chú ý, tỉnh hội đã mở 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ truyền thông, cũng như ra mắt 2 Tổ truyền thông tại 2 xã điểm chỉ đạo của tỉnh là xã Yên Na, huyện Tương Dương và xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.
Các buổi truyền thông về giáo dục nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đã được tập huấn, triển khai tại huyện Nghĩa Đàn, xã Tri Lễ (Quế Phong), xã Châu Thái (Quỳ Hợp) thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Với địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều chị em phụ nữ, cũng như nhận thức chung về chăm sóc sức khỏe trẻ em, làm mẹ an toàn còn nhiều hạn chế thì công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều phương án, linh hoạt sáng tạo thông qua nguồn lực từ Chương trình MTQG luôn mang lại những hiệu quả thiết thực.
Phát huy vai trò Người uy tín
Trên cơ sở yêu cầu của Dự án 8 và những định hướng, chỉ đạo từ tỉnh hội, Hội LHPN các huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, với mục đích góp phần làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mọi người về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em. Theo đó, một số huyện như Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu đã tổ chức được 16 lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản.
Vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín cũng đã được phát huy, “tận dụng” triệt để trong công tác tuyên truyền. Hội LHPN các huyện đã tiến hành khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành lập tổ truyền thông tại cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những Người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản, mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ. Tính đến hết năm 2022, đã thành lập được 32 tổ truyền thông cộng đồng tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu.
Hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em đã thực hiện đã dạng, phong với với rất nhiều nội dung bổ ích, thiết thực. Tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu đã tổ chức 17 cuộc truyền thông về hỗ trợ chị em DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại huyện; tại các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Thanh Chương và Quỳ Châu đã tổ chức 12 cuộc truyền thông về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới.
Nghệ An là địa bàn tiềm ẩn nhiều phúc tạp về hoạt động mua bán người, trước tình hình ấy, các huyện cũng đã xây dựng được những mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người. Hoạt động này như thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cho những đối tượng xấu sớm từ bỏ ý định “kiếm tiền, làm giàu” bằng hình thức mua bán người vẫn còn lẩn khuất trong mỗi bản làng.
Đẩy mạnh các hoạt động xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới
Theo đại diện Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Dự án 8 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng; vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, Hội LHPN và các cấp chính quyền, các ngành liên quan đã nỗ lực, trách nhiệm thực hiện đạt được một số kết quả tích cực bước đầu. Các hoạt động triển khai đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Để thực hiện hiệu quả Dự án 8 về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, Tỉnh hội sẽ tổ chức đánh giá, sơ kết giữa kỳ gắn với đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả dự án trong những năm tiếp theo. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát triển khai dự án tại các địa phương và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong năm 2023, hội LHPN tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp; Tổ chức các hội thi/liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS&MN. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tại các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, Người có uy tín.
Đặc biệt, hướng dẫn, giám sát thực hiện hiệu quả 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và tuyên truyền, tư vấn và vận động nhóm phụ nữ DTTS sinh con tại nhà cao tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn; triển khai mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học và các mô hình, hoạt động can thiệp tại các địa phương theo kế hoạch chỉ đạo điểm của tỉnh./.