Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhất là các chương trình giải trí hấp dẫn dành cho trẻ em, đã khiến tình trạng trẻ “nghiện” Smartphone ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời gian Hè, khi các con được nghỉ học. Trong khi đó, cha mẹ lại luôn bận rộn, đành thỏa hiệp để những thiết bị điện thoại thông minh, Ipad, máy tính trở thành công cụ giữ con trong kỳ nghỉ Hè.
Dĩ nhiên, sẽ không có gì đáng bận tâm, nếu thời gian con tiếp xúc với màn hình điện thoại được kiểm soát ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, để nó trở thành người bạn vô hình, gắn bó với con từ lúc chơi, lúc ăn, thậm chí cả trước khi đi ngủ, thì lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con.
Một trong số đó có thể kể đến là các bệnh về mắt, tim mạch, giảm khả năng tập trung, tăng nguy cơ béo phì và đặc biệt là các vấn đề về tâm lý. Quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ còn là một nguyên nhân dẫn đến việc con dần trở nên mất tập trung với xung quanh, rời xa các trò chơi vui chơi, vận động, truyền thống.
Theo Ts. Lê Minh Công - Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cha mẹ nên tận dụng thời gian Hè, cho con trải nghiệm nhiều hoạt động, có thể hướng dẫn con một kỹ năng sống nào đó. Không nên để một mùa Hè của con gắn liền với các thiết bị số như điện thoại, máy tính.
Với mong muốn tạo nên một môi trường lành mạnh, bổ ích trong kỳ nghỉ Hè của con, đồng thời hạn chế các tác hại của màn hình công nghệ, nhiều hoạt động giáo dục ngoài nhà trường như: Học kỳ quân đội, chiến sĩ tí hon, các lớp hướng đạo, trang trại giáo dục trải nghiệm, khóa đào tạo kỹ năng hay các hoạt động dã ngoại thể dục, thể thao… dành cho trẻ em đang là lựa chọn của đông đảo các bậc phụ huynh.
Thông qua các chương trình giảng dạy phong phú, các hoạt động Hè đa dạng, trẻ sẽ được tham gia trải nghiệm tại môi trường với những sinh hoạt khác biệt. Nhờ vậy, trẻ có cơ hội được tích lũy thêm những trải nghiệm về cuộc sống như tìm hiểu về tự nhiên, thiên nhiên, học các kỹ năng sinh tồn, bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, rèn cho con lối sống tự giác, tự lập, cách ứng xử với các trong các trường hợp khẩn cấp…
Cũng từ đó, các em còn có cơ hội tham gia giao lưu, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi của mình, phát huy năng khiếu, sự tự tin, học cách yêu thương, chia sẻ, đoàn kết, từ đây góp phần giảm tần suất “làm bạn” với chiếc điện thoại thông minh hay những trò chơi công nghệ của trẻ trong những ngày Hè.
Chia sẻ lý do lựa chọn các lớp học hướng đạo, mùa Hè quân đội, các khóa học kỹ năng sống hay các chương trình trải nghiệm mùa Hè cho con, nhiều phụ huynh cho biết, các chương trình này mang đến cơ hội cho các con được giao lưu học hỏi lẫn nhau, được vui chơi giải trí lành mạnh, được học thêm nhiều kiến thức quan trọng về cuộc sống xung quanh… Từ đó giúp con trưởng thành hơn, hình thành ý thức kỷ luật, tinh thần tự lập, tự giác hơn trong học tập, sinh hoạt, chủ động giúp đỡ bố mẹ việc nhà, biết lắng nghe và vâng lời người lớn.
“Đặc biệt, con được hòa mình vào các hoạt động chung với các bạn đồng trang lứa trong các hoạt động rèn kỹ năng sống, trò chuyện về tâm sinh lý lứa tuổi, tham gia nhiều trò chơi dân gian… một cách rất tự nhiên giúp con tránh xa các thiết bị điện tử, môi trường mạng và thói quen sử dụng điện thoại, Ipad quá nhiều”, chị Trương Thị Cúc, mẹ của bé Thu Phương, một trong những phụ huynh lựa chọn khóa học kỹ năng sống mùa Hè cho con chia sẻ.
Còn với gia đình chị Đinh Thị Tú (Hà Nội), Hè năm nay, chị quyết định đăng ký khóa học bơi cho con gái sau khi đọc thông tin các vụ đuối nước xảy ra gần đây. “Ngoài mong muốn trang bị kỹ năng bơi cho con, tôi hi vọng con làm quen được những người bạn mới có và những hoạt động tập thể mới mẻ. Tôi không muốn suốt cả một kỳ nghỉ Hè con chỉ chăm chú xem ti vi, điện thoại, Ipad”, chị Tú cho hay.
Hào hứng và tràn đầy năng lượng khi tham gia lớp học nhảy mùa Hè, bé Thu Phương (12 tuổi) cho hay: “Thường thường mỗi khi nghỉ Hè, em thường dùng nhiều thời gian để xem ti vi, điện thoại, chơi trò chơi. Khi được mẹ cho tham gia lớp học này, em rất vui, vì ước mơ của em là trở thành một Dancer chuyên nghiệp. So với việc xem phim và các chương trình yêu thích, đi học thể này vui hơn nhiều".
Khẳng định những lợi ích đáng kể của các hoạt động hè dành cho trẻ em, theo PGs.Ts. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đây là hoạt động tương đối tốt, giúp con trẻ rèn nếp sống, kỷ luật, được tham gia vào các môn thể thao yêu thích, xa rời những trò chơi điện tử…
Có thể nói, việc tham gia vào các khóa học kỹ năng, môn học mới hay môn thể thao nào đó phù hợp với sở thích, mong muốn của trẻ không những giúp trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng mới, rèn luyện những phẩm chất quan trọng, mà còn tạo ra nhiều hoạt động thú vị, thu hút, giúp giảm thói quen phụ thuộc vào điện thoại, đặc biệt là trong một kỳ nghỉ dài, góp phần tạo nên một mùa Hè an toàn và ý nghĩa cho trẻ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Đồng Xuân Tứ - Giám đốc Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Đồng Đội, sự tác động tại các lớp kỹ năng với trẻ thường chỉ kéo dài 1 tuần, 10, 15 ngày, chỉ có thể thay đổi ý thức và một số thói quen, cách nghĩ trong thời gian nhất định. Sau đó, nếu không có môi trường duy trì, tác động thì những kỹ năng, thói quen đã rèn luyện được của con sẽ khó duy trì. Những thói quen, kỹ năng tốt nên được trau dồi thường xuyên trong suốt quá trình trưởng thành của con chứ không chỉ trong những kỳ nghỉ Hè.
Do đó, song song với việc cho con tham gia nhiều hoạt động Hè, các khóa học trải nghiệm, các bậc phụ huynh cũng nên tạo môi trường rèn luyện, chăm chút cho con bằng chính các hoạt động tại gia đình, giúp trẻ được áp dụng các kỹ năng cần thiết, duy trì những phẩm chất, thói quen tốt, trong đó có việc hạn chế tối đa sử dụng Smartphone, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông tin, Internet đối với sức khỏe của trẻ.