Bằng tiếng đàn then cùng những điệu múa chầu, bà cùng các thành viên Câu lạc bộ hát then khu phố Cao Lộc thường xuyên tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật các cấp huyện, tỉnh, khu vực và giành được nhiều giải thưởng cao.
Nghệ nhân Nông Thị Lìm vốn là nghệ nhân đời thứ 5 của họ Vi, bà cụ tổ là Vi Thị Sang đã trở thành người thiên cổ từ hơn 100 năm về trước. Ngày về làm dâu họ Vi, bà Lìm được ông bố chồng Vi Đoàn Thành truyền lại những làn điệu then mượt mà. Lời then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Tuy nhiên, mãi đến năm 40 tuổi, bà Nông Thị Lìm mới chính thức gắn bó với hát then. Bà cho biết, cũng như nghề làm mo, người làm then nghi lễ phải có căn duyên, được “bề trên” gửi gắm để làm cầu nối giữa hai thế giới âm-dương.
Theo quan niệm của người Tày, người làm then được chia ra nhiều bậc khác nhau, bà then có uy tín phải là người có đủ 15 cầu then hay đã trải qua 15 bậc then. Các bậc then được chia theo số lẻ 5,7,9,13,15, mỗi lần làm lễ nâng bậc then được gọi là lễ lẩu then, hay còn gọi là “hắt lẩu then”. Thông thường, bà then chưa đủ 15 bậc then thì ba năm sẽ tổ chức lễ đổ rượu then để nâng bậc một lần. Còn với bà then đã đủ 15 bậc, mỗi năm có thể ba lần làm lễ đổ rượu then vào dịp Rằm các tháng Hai, Bảy, Mười một. Bà Nông Thị Lìm hiện tại đang ở bậc then thứ 7. Bà đã đủ điều kiện cấp sắc và nhận đệ tử. Hiện tại, đã có 6 đệ tử được bà cấp sắc.
Trong các nghi lễ then như lễ cấp sắc, lễ lẩu then, phần chuẩn bị cho buổi lễ khá công phu. Nghệ nhân Nông Thị Lìm cho biết, trước ngày mở hội lẩu then, người thì gấp chim én bằng giấy ngũ sắc, rồi xâu lại thành từng dây treo trên bàn thờ then; người làm những chiếc “cầu hoa” bằng nứa giống như một cái thang, mỗi bậc dán một tờ giấy bản trắng hình vuông to bằng ô thang có các họa tiết chạm trổ rất đẹp để trang trí. Những xâu bánh dày nặn nhỏ có hoa văn bằng giấy đỏ dán ở giữa treo cạnh xâu chim én, một buồng chuối rừng rất to còn cả pi (hoa chuối) đỏ thẫm, tượng trưng cho âm dương và sự sinh sôi nảy nở, cùng với dao, cuốc, thuổng là công cụ sản xuất được sắp xếp trình tự trên bàn then. Phía trước bàn thờ có một bát hương được cắm “dấu hoa thị” đúc bằng đồng hình vuông dẹt, mỏng đó là “cân” của then (tức là dòng tên thờ của bà then).
Sau các nghi thức ban đầu như cắm hương vào bát nhang có ấn, bà then xòe quạt nhấp chén nước thanh thảo để tẩy trần về với người của trời rồi truyền cho các “lục pựt” (đệ tử) cùng nhấp theo. Bà hát đoạn dạo đầu rồi dẫn một đạo “quân âm binh” đi lên chầu “Ngọc Hoàng”. Từ đoạn “phát tàng” (mở đường) ra đi vào rừng sâu “thấu quan, thấu nạn” (săn hươu, săn nai) rồi đi suốt vào rừng đại ngàn tới “quá đông ngoảng” (qua rừng ve sầu). Đêm về khuya, trong cảnh tĩnh mịch của núi rừng, cùng với âm thanh cây đàn tính, bà then ngồi tự sự, kể những nỗi gian truân, vất vả, đưa người nghe lọt vào một thế giới mơ tưởng đầy huyền thoại. Chuyện kể về con ve sầu suốt ngày kêu than thảm thiết, về nỗi oan ức của mình là con trời ngày xưa bị đầy xuống trần gian hóa thân (lột xác) thành con ve sầu…
Hiện nay, dù đã ở tuổi 70 nhưng nếu có ai mời bà về làm các nghi lễ cầu an cho gia đình bà đều sắp xếp thời gian để đi giúp. Chính quyền, các hội đoàn thể có nhu cầu mời bà trình diễn then cổ, bà cũng sẵn lòng tham gia để góp phần lưu giữ nét văn hóa của cha ông. “Tôi làm then cũng vì cái tâm của mình là muốn giúp người cứu người chứ không vì lợi nhuận”, nghệ nhân Lìm bộc bạch.
Ở tuổi xế chiều, mong muốn lớn nhất của bà là tìm được những hạt nhân then thực sự có năng khiếu và tâm huyết với then cổ, từ đó gây dựng được phong trào nghệ thuật quần chúng sôi nổi, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đó chính là nền tảng để giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp trong đời sống hiện đại.
NGỌC ÁNH