Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 15/10, đã có 217.610.998 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.826.488 ca bệnh đang điều trị, có 17.745.325 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 81.163 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 77.393 ca nhiễm mới, Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (45.066 ca) và Nga (31.299 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.401 ca, sau đó là Nga (986 ca) và Brazil (456 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 77.603.227 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 15/10, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 122.130 ca nhiễm mới và 1.673 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ấn Độ với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 30.709; 17.004 và 11.964 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Ấn Độ (378 ca); Iran (223 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (203 ca).
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 182.774 ca nhiễm và 2.567 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 61.049.344 ca nhiễm mới và 1.254.630 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Anh, Nga và Ukraina có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 45.066; 31.299 và 18.881 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 986 ca, tiếp sau đó là Ukraina (412 ca) và Romania (303 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 54.834.639 ca, trong đó có 1.115.185 ca tử vong và 43.095.980 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 77.393 ca nhiễm và 1.401 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico với 6.320 ca nhiễm và Cuba với 2.364 ca mới; và Mexico với 420 ca, Cuba với 38 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 18.977 ca nhiễm và 551 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.090.492 ca và 1.162.606 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 14.288 ca nhiễm mới, sau đó là Colombia với 1.387 ca, Argentina với 1.350 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 456 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 51 ca và Colombia với 33 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 15/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.488.165 ca, trong đó có 215.311 ca tử vong và 7.806.240 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.914.827 ca nhiễm và 88.506 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 947 ca nhiễm mới và 40 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 941.009 và 710.322 ca nhiễm bệnh cùng 14.520 và 25.053 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 267.084 ca nhiễm (tăng 3.274 ca) và 3.319 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 25 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 2.688 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 136.134 ca, trong đó 1.496 ca tử vong (tăng 18 ca).
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng./.