Đi lên từ gian khó
Xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) hiện có 1.800 hộ, với khoảng 7.800 khẩu sinh sống tại 12 thôn làng, trong đó có 8 làng đồng bào DTTS. Những người già ở Bờ Ngoong vẫn chưa thể quên được những khó khăn sau ngày giải phóng, nhất là về phương diện kinh tế.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, từ năm 1976, xã Bờ Ngoong đã khai hoang đồng ruộng trồng lúa nước, quyết tâm đẩy lùi nạn đói. Nhưng do thiếu nông cụ, hệ thống tưới tiêu chưa có, nên năng suất, sản lượng không được bao nhiêu.
Trong tài liệu “Lịch sử Ủy ban Dân tộc 1946 - 2011” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 2011) có ghi lại bối cảnh sản xuất nông nghiệp của xã Bờ Ngoong tại thời điểm năm 1977. Theo đó, toàn xã Bờ Ngoong lúc ấy có 450ha trồng lúa, nhưng bà con canh tác hoàn toàn bằng cuốc, chưa có cày, bừa. Khi thu hoạch, không có liềm nên phải ngắt bằng tay, vì thế 8 người 1 ngày mới thu hoạch được 100kg lúa tươi.
Nhưng sau 45 năm kể từ ngày giải phóng, Bờ Ngoong đã khoác lên mình màu áo mới - màu áo nông thôn mới (NTM). Tháng 2/2019, xã đã về đích NTM, với nhiều chỉ số đáng tự hào. Tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM, xã không còn hộ thiếu đói, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,14%.
Đổi thay của xã Bờ Ngoong cũng là bức tranh chung của các địa phương vùng DTTS và miền núi sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của đồng bào các dân tộc, tính đến tháng 3/2020, cả nước đã có 2.947/5.266 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM (bằng 44,8% tổng số xã). Ngoài ra, vùng DTTS và miền núi hiện đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí về thu nhập và 60,7% số xã đạt chuẩn tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.
Riêng tại Gia Lai, hết năm 2019, thu nhập đầu người bình quân toàn tỉnh đã đạt 49,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,04% (đối với đồng bào DTTS, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 6,25%/năm).
Vững tin chiến thắng
Bước vào năm 2020, cùng với cả nước, các địa phương vùng DTTS và miền núi vững tin với những thành quả đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2019. Nhưng ngay những tháng đầu của thập niên mới, chúng ta lại phải đối mặt với một kẻ thù vô hình - đại dịch toàn cầu Covid-19.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch Covd-19 sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế năm 2020 của đất nước. Ngay trong quý I, mức tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng chỉ đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Đã tiên liệu trước mọi tình huống, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày từ sau tết Nguyên đán, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào cuộc chiến mới. Từ ngày 23/1, hàng loạt ổ dịch lớn nhỏ dần dần xuất hiện tại nước ta. Ban đầu là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Tiếp theo là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận rồi Bình Thuận... Ở giai đoạn đầu còn xác định được nguồn lây, nhưng sau đó, ở một số nơi, nguồn lây gần như mất dấu hoàn toàn.
Nhưng dù vậy, ở trận địa nào, một chiến lược chung vẫn được chúng ta áp dụng, đó là: Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để. Đến thời điểm này, trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta đã và đang giành được những thắng lợi nhất định.
Song cuộc chiến còn gian nan, chúng ta không được phép chủ quan. Tin tưởng rằng, với chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, đồng sức của các tầng lớp Nhân dân, chúng ta sẽ giành thắng lợi cuối cùng.