Tuy nhiên, hiệu quả lan tỏa của chương trình này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Thực hiện chủ trương đưa di sản văn hóa truyền thống vào trường học của Bộ GD&ĐT, phường rối Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) đã được Ban Giám hiệu một số trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện mời đến biểu diễn rối cạn tại trường.
Qua những màn trình diễn rối cạn, các em học sinh không chỉ được xem múa rối mà còn được nghe các nghệ nhân diễn giải về các tích trò múa rối, cũng như ý nghĩa của từng tích trò gắn với cảnh sinh hoạt lao động của người nông dân.
Ngoài những buổi biểu diễn múa rối tại trường, 30 em học sinh THCS còn được các nghệ nhân phường rối Ru Nghệ đứng ra truyền dạy nghề múa rối cạn. Kinh phí do Phòng Văn hóa huyện chi trả từ nguồn Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” giai đoạn 2011-2015.
Được tham gia học biểu diễn múa rối, cả học sinh và nghệ nhân đều vô cùng hào hứng. Từ những buổi học này, các em đã cảm nhận và yêu quí hơn di sản văn hóa dân tộc. Còn những nghệ nhân già thì cất đi được gánh nặng lo âu tìm đâu ra thế hệ kế cận thay mình bảo tồn nghề múa rối truyền thống.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không dài. Khi hết Đề án, huyện không còn kinh phí để chi trả cho các nghệ nhân đứng lớp truyền dạy nghề. Vậy là lớp học tự tan rã!. Một vài em “trót” đam mê với con rối đành tự tìm đến nhà nghệ nhân để xin được học riêng…
Tại một trường PTTH ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An), chủ trương đưa di sản văn hóa vào trường học được nhà trường giao cho các giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Mỗi tuần, sau buổi chào cờ vào sáng thứ hai, từng lớp sẽ chuẩn bị một tiết mục múa hoặc hát dân ca để biểu diễn trước toàn trường. Chủ trương này được tất cả các cô và trò trong trường ủng hộ.
Thế nhưng, nhà trường lại không đưa ra được những quy định cụ thể về phương pháp tiếp cận, truyền dạy di sản văn hóa, thời gian học cũng như loại hình âm nhạc dân gian truyền thống… Từ đó, dẫn đến những tình huống nực cười: Nhiều học sinh khi được lớp cử lên biểu diễn các bài hát dân ca, thì lại thể hiện những bài hát nhạc trẻ, những bài hát tiếng Anh…(!).
Thực ra, chủ trương đưa một số loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường đã được một số địa phương triển khai từ hơn chục năm trước. Năm 2013, liên Bộ GD-ĐT và VH-TT&DL chính thức ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Việc sử dụng di sản trong dạy học đã được thực hiện thí điểm ở 7 địa phương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam với 3 môn Sử, Địa, và Âm nhạc. Đây được cho là một việc làm cần thiết và mang lại nhiều ích lợi.
Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm, việc đưa di sản vào trường học đã đạt được một số tín hiệu tích cực như: giúp giờ học của các em trở nên sinh động hơn, việc học tập trở nên hứng thú hơn, đã có những chuyển biến trong việc hiểu về di sản, dù chưa nhiều.
Tuy vậy, việc đưa di sản vào trường học cũng đã bộc lộ những hạn chế. Tại một Hội thảo quốc tế về “Đưa di sản phi vật thể vào trường học vì một tương lai bền vững”, diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, các dự án đưa di sản vào trường học vài năm qua vẫn còn nặng về tính hình thức kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Chương trình giảng dạy vẫn mang tính tự phát, nội dung còn đơn điệu, không đủ cung cấp cho các em hiểu biết đơn giản về di sản. Chính vì thế, với nhiều em, tiết học về âm nhạc truyền thống không hấp dẫn. Các em đón nhận với tâm lý chán nản, thậm chí sợ học.
Như vậy, chủ trương đưa di sản văn hóa truyền thống vào trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai thí điểm ở một số trường học. Tuy nhiên, chương trình này mới chỉ mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Thiết nghĩ, để giúp thế hệ trẻ có hứng thú trong việc tìm hiểu về các di sản văn hóa của dân tộc thì ngành chức năng (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cần xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy cụ thể bằng những buổi học thực địa hấp dẫn, phong phú…
NGỌC ÁNH