Toàn cảnh núi Đá Chồng ở thị trấn Khánh Hải với nhiều ngôi chùa, thiền viện được xây dựng khang trang thu hút đông đảo du khách đến du lịch tâm linh.Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/5 tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến thu hút khoảng 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế. Sự kiện là dịp để Phật tử toàn thế giới tưởng niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết quốc tế. Tỉnh Ninh Thuận cử đoàn đại diện tăng ni, Phật tử tham dự với mong muốn tiếp thu tinh thần Phật giáo thế giới, phục vụ công tác Phật sự tại địa phương ngày càng tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, Hòa thượng Thích Hạnh Thể cho biết, Ninh Thuận hiện có nhiều ngôi chùa được xây dựng, tôn tạo khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách. Toàn tỉnh có 107 chùa, thiền viện được cấp phép hoạt động, với 344 tu sĩ và gần 86.000 tín đồ thường xuyên tham gia các hoạt động Phật sự. Một số cơ sở tiêu biểu có thể kể đến như Thiền viện Trúc Lâm (thị trấn Khánh Hải, huyện Khánh Hải), chùa Thiền Lâm (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn), chùa Phổ Đà Sơn (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam)...
Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ xây dựng kiểu đáng truyền thống kết hợp hiện đại tại núi Đá Chồng. Đây đều là những cơ sở thờ tự Phật giáo có kiến trúc đặc sắc, tọa lạc tại những vị trí “đắc địa” với cảnh quan sơn thủy hữu tình, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, vãn cảnh. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã vận động các trụ trì phối hợp cùng cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, kết nối các tour tuyến đưa du khách đến tham quan hệ thống chùa, thiền viện trên địa bàn. Với những nét riêng độc đáo, không trùng lặp với bất kỳ nơi nào trong cả nước, hệ thống này đang góp phần định hình và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch tín ngưỡng tâm linh tại Ninh Thuận.
Qua trao đổi với Hòa thượng Thích Hạnh Thể, chúng tôi tìm đến Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ vào những tuần đầu mùa du lịch Hè 2025. Tại đây, nhiều du khách đến từ Cộng hòa Belarus, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Kiên Giang, An Giang đã đến dâng hương lễ Phật, vãn cảnh thiền viện. Anh Vlađimir, thành viên đoàn khách Belarus, chia sẻ đầy phấn khởi: “Chúng tôi rất vui khi được đến đây dâng hương tưởng niệm Đức Phật Thích Ca nhân dịp ngày đản sinh của Ngài. Không gian thiền viện an lành cùng sự thân thiện, chân tình của các vị tu sĩ để lại cho chúng tôi ấn tượng đẹp về Ninh Thuận và con người Việt Nam.”
Du khách đến từ Kiên Giang dâng hương lễ Phật tại Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ.Về Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ, Thượng tọa Thích Thông Huệ, Trụ trì Thiền viện cho biết, cơ sở được khởi công xây dựng từ cuối năm 2008 trên diện tích gần 42.000 m² tại thị trấn Khánh Hải. Đến cuối năm 2009, Thiền viện tổ chức lễ an vị Phật với sự chứng minh của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và đông đảo Phật tử trong, ngoài tỉnh tham dự. Sau hơn 15 năm hoạt động, với kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi tháng đón khoảng 1.500 - 2.000 lượt du khách đến chiêm bái, lễ Phật.
Chia tay Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ, chúng tôi tiếp tục đến chùa Thiền Lâm, ngôi chùa cổ nhất tỉnh Ninh Thuận, tọa lạc tại xã Nhơn Sơn, cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Tây. Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, chùa do Tổ Liễu Minh, hiệu Đức Tạng, khởi lập vào năm Kỷ Dậu 1789, dưới triều vua Lê Chiêu Thống.
Anh Vlađimir (người đi sau cùng bên trái) cùng đoàn du khách đến từ Cộng hòa Belarus vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ, tháng 4/2025.Vào những dịp đại lễ, tiếng đại hồng chung của chùa vang xa khắp thôn xóm. Ít ai biết chiếc chuông đồng này được đúc từ năm 1807, đời vua Gia Long thứ bảy, với đường kính 0,4m, cao gần 1m, nặng khoảng 200kg. Trải qua hơn 225 năm, chùa Thiền Lâm đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt từ sau năm 1975, khi chính sách tín ngưỡng được mở rộng, Phật tử đã cùng nhau góp công tu sửa, xây dựng chùa ngày càng khang trang.
Chùa hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 1ha, được xây dựng theo kiểu chồng diềm hai tầng, tám mái uốn cong hình đầu đao, với họa tiết rồng bay, phụng chầu trang trí trên đỉnh mái, tạo nên vẻ trang nghiêm, cổ kính. Chùa Thiền Lâm còn lưu giữ nhiều kinh sách cổ quý hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu Phật học tại địa phương.
Cách chùa Thiền Lâm khoảng 30km về hướng Đông Nam là điểm du lịch tâm linh Phổ Đà Sơn, do Thượng tọa Thích Minh Tánh, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận trụ trì. Nơi đây nổi bật với hệ thống hang đá kỳ thú, được xem là một trong những cơ sở thờ tự Phật giáo độc đáo bậc nhất tỉnh.
Chiếc chuông cổ trên 200 năm tuổi tại chùa Thiền Lâm. Du khách đến Phổ Đà Sơn sẽ len lỏi qua những lối mòn dẫn vào các hang động đá tự nhiên, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Từ đỉnh núi đá cao khoảng 70 mét so với mực nước biển, có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh non xanh nước biếc của vùng đất xã Phước Dinh.
Ngôi chùa tọa lạc trên vùng núi đá rộng khoảng 20ha, với nhiều hang động ấn tượng như động Huyền Không ở Đà Nẵng. Trụ trì đã cho xây dựng ba lối đi bằng đá nối liền giữa các hang: Tổ, Hộ Pháp, Kim Cang, Sơn Thần, Gió…, tạo nên một quần thể tâm linh đặc sắc, hòa quyện giữa tín ngưỡng và thiên nhiên.
Thượng tọa Thích Minh Tánh cho biết, Phổ Đà Sơn – dân gian còn gọi là chùa Giếng Trày là một trong những cơ sở thờ tự Phật giáo cổ xưa nhất tỉnh Ninh Thuận. Theo truyền thuyết, Thiền sư Bảo Tạng (1818 -1862) từng vân du từ Phú Yên vào phương Nam, đã dừng chân tu hành tại chùa Trà Cang và vãn cảnh chùa Giếng Trày. Các đời trụ trì sau này đã xây dựng tháp vọng Bảo Tạng tại đây và tổ chức lễ giỗ Ngài vào ngày 26 tháng 5 âm lịch hằng năm.
Thượng tọa Thích Minh Tánh giới thiệu thắng cảnh núi đá chùa Phổ Đà Sơn ở xã Phước Dinh. Thượng tọa Thích Minh Tánh còn cho trồng cây neem (cây xoan Ấn Độ) và cây ăn trái phủ xanh toàn bộ khu vực chùa quản lý. Hiện nay, rừng neem đã phát triển xanh tốt, góp phần giữ nguồn sinh thủy, cung cấp nước tưới cho khu dân cư dưới chân núi canh tác hoa màu quanh năm. Vào dịp Tết Nguyên đán và các lễ lớn, Phổ Đà Sơn đón hơn 1.000 lượt khách thập phương đến vãn cảnh, thắp hương lễ Phật, góp phần lan tỏa giá trị của di sản tâm linh gắn với bảo tồn sinh thái.
Trong ba tháng đầu năm 2025, Ninh Thuận đón khoảng 890.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 25% kế hoạch năm. Trong đó, khoảng 80% du khách chọn du lịch biển và du lịch tâm linh. Riêng khách quốc tế ước đạt 63.000 lượt, tăng hơn 68% so với cùng kỳ; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.060 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển du lịch tâm linh nhằm thu hút thêm du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm tại vùng đất nổi tiếng với vịnh biển, đồi cát, đền tháp, các cơ sở thờ tự tôn giáo và làng nghề truyền thống đặc sắc hàng đầu Việt Nam.
Tượng Phật Bà Quan Âm được thờ tại Tổ đình Trà Cang, xã Phước Nam.