Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 13/7 tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON 92 là 112,74 USD/thùng, xăng RON 95 là 118,02 USD/thùng, dầu hỏa 136,9 USD/thùng, dầu diesel 139,9 USD/thùng và dầu madut 468,4 USD/tấn. Mức giá này giảm khá mạnh so với ngày 8/7.
Trên thị trường thế giới, dù giá dầu đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch 15/7, tính chung cả tuần, dầu WTI vẫn giảm 6,9% và dầu Brent giảm 5,5%.
Ngày 17/7, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chia sẻ, khả năng giá các mặt hàng này tiếp tục được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày 21/7.
Cụ thể, trong kỳ điều hành giá ngày 21/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính có thể tiếp tục trích lập quỹ BOG để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tuy vậy, mức trích lập sẽ không nhiều, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Tại kỳ điều hành giá ngày 11/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, sau khi giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu diesel 0.05S có mức giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá 26.345 đồng/lít, sau khi giảm 2.008 đồng/lít; dầu madut 180CST 3.5S có mức giá 17.712 đồng/kg, sau khi giảm 2.010 đồng/kg.
Nhà điều hành đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu madut ở mức 950 đồng/kg. Đồng thời thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá.
Liên Bộ cho hay, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua chịu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Việc giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen như trên do lo ngại về nguồn cung tiếp tục gặp trở ngại vì các lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, việc ổn định sản xuất của OPEC+ và việc Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, những dự báo và lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với việc biến chủng mới của dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã tác động đến nhu cầu xăng dầu nên giá xăng dầu có xu hướng giảm.