Dân khốn khổ
Điểm dân cư Đài Chuối nằm cách trung tâm xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn khoảng 10km, là một khu vực trong quy hoạch dự án Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Phạm Huy Thành, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên cho biết, Đài Chuối có gần 180 hộ dân và là điểm dân cư có cuộc sống khó khăn nhất trong vùng quy hoạch dự án công viên.
Đến điểm dân cư Đài Chuối, phóng viên gặp ngay hình ảnh một người phụ nữ đang cặm cụi nhổ cỏ giữa khu vườn rậm rạp. Hỏi chuyện được biết, đây là bà Đỗ Thị Hòa, vợ ông Cam Vĩnh Khìn, người dân tộc Hoa, thương binh hạng 1/4. Bà Hòa cho hay: Sau chiến tranh trở về quê nhà ông Khìn bị mất một mắt, sức khỏe yếu. Cậu con trai của ông bà sinh năm 1987 cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, nên thần kinh bất thường. Đến năm 2015, gia đình bà Hòa thuộc diện được chính quyền địa phương hỗ trợ sửa nhà. Năm 2017, khu Đài Chuối vào quy hoạch dự án công viên và năm 2019, thì có quyết định thu hồi đất. Thế nhưng, sau đó không thấy ai đền bù, di dời gì.
“Chồng tôi hiện tại gần như không nhìn thấy gì. Nhà cửa xuống cấp nhiều, nhất là sau cơn bão số 3 vừa rồi thì không biết sập lúc nào. Tôi đành phải đưa ông ấy ra ở nhà con lớn tại trung tâm huyện. Chúng tôi rất mong dự án sớm trả tiền đền bù để có điều kiện chuyển đi nơi khác sinh sống", bà Hòa nói.
Bà Ngô Thị Tuyến, 86 tuổi, một người dân tại Đài Chuối cho biết, năm 1979, bà Tuyến dẫn theo 3 người con nhỏ từ Hải Phòng đến vùng đất này khai hoang làm kinh tế mới. Gần 20 năm trước, chính quyền thực hiện chủ trương xóa nhà dột nát cho các hộ trong thôn, gia đình bà được hỗ trợ 30 triệu đồng làm căn nhà cấp 4 rộng gần 30 mét vuông.
"Chị đi thì thấy, đường sá giờ cũng xuống cấp lắm. Nhà cũ nát, khi có mưa lớn là trong nhà dột như ngoài sân, gió lớn là nhà rung lắc mạnh, nguy cơ sập xuống. Nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch, chúng tôi không thể xây sửa nhà cửa. Ruộng đồng thì bỏ hoang do không được đầu tư hệ thống thủy lợi. Chẳng biết quy hoạch thế nào, bao giờ thì di dời, chứ sống mãi như này khổ quá", bà Tuyến chia sẻ.
Trao đổi với ông Phạm Huy Thành, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên được biết, hiện có 2 dự án chiếm tới 2/3 diện tích toàn xã là dự án hồ chứa nước Đồng Dọng và dự án công viên phức hợp. Nhưng nhiều năm nay, 2 dự án này vẫn chưa được triển khai, khiến người dân trong vùng quy hoạch lâm cảnh "đi cũng dở, ở không xong" vì nhà cửa xuống cấp, hạ tầng giao thông không được đầu tư.
Bao giờ dự án được triển khai?
Được biết, quy hoạch dự án công viên có diện tích rất lớn với khoảng 2.000ha ở xã Vạn Yên, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng. Vùng quy hoạch sẽ xây dựng hệ thống khách sạn, resort, biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, công viên chủ đề, trung tâm thương mại, khu vực triển lãm, tổ hợp thể thao với trường đua ngựa tiêu chuẩn, sân golf 18 lỗ, casino…
Theo đó, 3 thôn là Đài Mỏ, Đài Làng và Đài Chuối nằm trong quy hoạch phân khu 1/2.000 thuộc khu vực Đông Bắc Cái Bầu, khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 31/5/2021. Trong khu vực có Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án công viên và được Ban quản lý KKT Vân Đồn phê duyệt ngày 12/12/2022.
Ông Nguyễn Quang Minh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Ninh thông tin, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên đã được UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Ngày 09/11/2023, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo thẩm định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án công viên phức hợp.
Trong đó, Bộ này kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thành một số nội dung để hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát quyết định chủ trương đầu tư và chỉ đạo thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện dự án...
"Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền thì tỉnh mới triển khai các quy trình tiếp theo được theo quy định của pháp luật. Dù nằm trong quy hoạch, các hộ dân vẫn được sửa chữa, nâng cấp nhà ở khi bị xuống cấp. Do đó, UBND huyện Vân Đồn cần rà soát, đánh giá và xem xét giải quyết theo nguyện vọng sửa chữa nhà cửa của người dân theo thẩm quyền", ông Minh nhấn mạnh.
Dù biết, các hộ dân vẫn được sửa chữa nhà ở xuống cấp khi có nhu cầu, tuy nhiên nhà nằm trong vùng quy hoạch dự án, thì tâm lý chung không ai muốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Tương tự hệ thống giao thông, thủy lợi cũng sẽ không được đầu tư. Vì vậy, thiệt thòi vẫn thuộc về người dân nếu chính quyền địa phương không quan tâm, hỗ trợ và có những giải pháp trước mắt khi mà dự án đang chờ phê duyệt.