Mãi mãi là kỷ niệm khó phai trong trái tim những cựu học sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, chính là khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường vào tháng 12 năm 1961. Tại ngôi trường này, rất đông học sinh, sinh viên người DTTS các huyện miền Tây xứ Nghệ đã được gặp Bác, trò chuyện cùng Bác và lắng nghe những lời dặn dò, tâm sự của Bác.
Dù thời gian rất ngắn, nhưng Người đã dành trọn tình yêu thương đến các cháu học sinh, sinh viên của trường với những lời thăm hỏi ân cần nhất. Giữa toàn thể học sinh; từ các cháu dân tộc Thổ, dân tộc Thái, đến người Đan Lai, Lào…; Người đã nhấn mạnh rất nhiều lần đến tinh thần đại đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bác nói: Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, người Mường ghét người Kinh. Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà... Bác cũng khuyên rằng, để đền đáp công ơn, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết giữa các dân tộc, cùng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An đã quan tâm, ưu tiên phát triển khu vực miền núi - nơi đồng bào các DTTS sinh sống. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An đã có 18 xã và 136 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Lời dặn dò của Bác mãi khắc ghi trong ký ức cụ Lô Thị Nhân, hiện sinh sống tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Hơn 60 năm trước, cụ Nhân hãy còn là cô sinh viên theo học Trường Sư phạm miền núi Nghệ An và được gặp Bác.
Nay đã 80 tuổi, đã nghỉ hưu khá lâu sau những năm tháng bám bản “gieo chữ” trên non cao, cụ Nhân vẫn rưng rưng khi kể về khoảnh khắc ngày trước: Thời gian gặp Bác rất ngắn nhưng đã để lại cho thầy và trò chúng tôi những bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, cố gắng vượt khó vươn lên; về trách nhiệm của mình với cộng đồng...
Những lời khuyên bảo và động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn thể học sinh Trường Sư phạm miền núi hơn 60 năm trước đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với đơn vị và thế hệ học sinh của nhà trường được gặp Bác lúc đó. Đây còn là sự kiện đi vào lịch sử của tỉnh Nghệ An, tạo thêm sức mạnh và là động lực để Nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào các DTTS và miền núi nói riêng, thi đua phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, của tỉnh.
Trong số những người con của vùng miền núi Nghệ An, có những người đã đi vào lịch sử của tỉnh Nghệ An và cả nước, mang trong tâm khảm suốt cả cuộc đời những lời dạy bảo của Người.
Vi Văn Khang có lẽ là cái tên trở thành nỗi khiếp sợ của thực dân Pháp những năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. Giác ngộ lý tưởng cách mạng, nghe theo lời kêu gọi đứng lên đấu tranh, giành độc lập dân tộc của Bác; người thanh niên dân tộc Thái ở núi rừng Con Cuông đã kêu gọi nhiều thanh niên khác đứng lên đi theo Đảng. Chính ông là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng phong trào cách mạng ở miền Tây Nghệ An những ngày đầu nước ta có Đảng.
Thuộc thế hệ sinh sau, chàng thanh niên người Mông Vừ Chông Pao ở vùng cao Kỳ Sơn cũng đã noi gương Bác, thực hiện theo lời Bác dặn, đứng ra thành lập Đội du kích khi chưa đầy 20 tuổi. Hai lần được gặp Bác là những khoảng khắc mà ông Pao khắc cốt ghi tâm. Để rồi, từ hoạt động cơ sở, ông Pao đã kinh qua nhiều vị trí công tác và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2010, ông Pao vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết giữa các dân tộc, cùng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An đã quan tâm, ưu tiên phát triển khu vực miền núi - nơi đồng bào các DTTS sinh sống. Miền Tây xứ Nghệ được xác định là 1 trong 3 vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh.
Với hệ thống chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các chính sách an sinh xã hội góp phần đưa vùng DTTS và miền núi của tỉnh phát triển toàn diện. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi Nghệ An đạt 4,19 triệu đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 4,88% và hiện còn 29,15%. So với giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An đã có 18 xã và 136 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.