Có được thành quả trên là nhờ sau 6 năm xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã lan tỏa đến từng gia đình, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi người dân. Long Phú đã vận động nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng cùng với Nhà nước thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, ấp liền ấp đến từng khu dân cư dài trên 40km, sửa chữa xây mới hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà theo Chương trình 167 cho hộ chính sách và hộ nghèo.
Bên cạnh đó, nông dân Khmer Long Phú không ngừng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Trong đó có mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, trồng sen lấy củ, nuôi dê, nuôi bò thịt, đưa màu xuống chân ruộng, trồng bắp, trồng cỏ nuôi bò… đem về nguồn thu nhập cho bà con nơi đây hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ương ở ấp Bưng Long, xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), trước đây thuộc diện nghèo, giờ đã có 11 con bò, chuộc lại 6 công ruộng, lo cho con cái ăn học đàng hoàng, không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Ông Ương phấn khởi nói: “Được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho bà con dân tộc Khmer, gia đình tôi đã được kéo điện, nước miễn phí. Vốn đầu tư sản xuất cũng được xét cho vay với lãi suất thấp. Giờ chỉ còn mỗi việc chăm chỉ làm ăn, áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên no ấm”.
Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, Long Phú đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xã trên diện tích gần 1.000m2 trang bị đầy đủ các phòng chức năng. Các ấp đều có đội ca nhạc, hai đội Rô băm, nhạc ngũ âm thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ đồng bào trong các dịp lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ tịch xã Long Phú cho biết: Qua nhiều năm phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, đời sống của người dân dần đi vào ổn định và phát triển, thu nhập bình quân 28 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng như các tuyến đường giao thông liên ấp đã xây dựng hoàn chỉnh, bê tông hóa 100%, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Hiện có 76% người dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt, 89% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hộ nghèo còn 769 hộ (chiếm 19,8%), hộ cận nghèo 557 hộ (chiếm 14,37%). Long Phú phấn đấu đến năm 2020, đạt xã chuẩn nông thôn mới, hộ nghèo giảm xuống còn dưới 7%.
PHƯƠNG NGHI