Mở đầu chương trình, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã cắt băng khai mạc Triển lãm sản phẩm dược liệu với chủ đề Con đường Dược liệu Việt Nam - Kho báu xanh. Theo đó, triển lãm đã thu hút gần 100 HTX tại các tỉnh thành Việt Nam tham dự trưng bày đa dạng về các loại sản phẩm dược liệu như: Cây dược liệu, chăm sóc sức khỏe, tinh bột Nghệ đen, Nghệ đỏ, Sắn dây, Trinh nữ hoàng cung, cao dạ dày, Xạ đen, các loại trà thảo dược, Kim ngân cuộng, Bạch chỉ, Kinh giới, Hà Thủ ô đỏ, Hoài sơn; các sản phẩm tinh dầu các loại, sản phẩm từ Quế vỏ, sâm Ngọc linh, củ Hoài sơn, Thanh long sấy, quả sung sấy, lá Sen sấy Sacha Inhci nhân trắng sấy giòn, Dầu sacha inchi...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Dược liệu Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước và là thế mạnh của kinh tế tập thể, HTX. Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà nông, Nhà doanh nhân. Diễn đàn lần này sẽ là sự chung tay của 4 nhà cùng nhau nỗ lực để đưa Dược liệu Việt Nam phát triển và hội nhập toàn cầu. Với vài trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong những năm tới, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực phát triển mô hình HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác dược liệu trên phạm vi cả nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Chúng ta có hơn 5.000 loại dược liệu có giá trị, phần lớn đều nằm ở vùng đồng bào DTTS. Nếu chúng ta có chiến lược phát triển tốt, tạo nên giá trị thương hiệu tốt, thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao đời sống kinh tế của bà con đồng bào DTTS. Phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS thông qua rất nhiều loại hình khác nhau nhưng, trong đó phát triển kinh tế thông qua cây dược liệu có vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS.
"Để tạo nên giá trị tốt từ cây dược liệu cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các doanh nghiệp, các HTX, đặc biệt là người dân trong việc tiếp cận kiến thức, kỹ thuật, qua đó phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có của vùng đồng bào DTTS. Nếu không có vùng nguyên liệu tập trung thì sẽ không tạo ra một giá trị gì cả. Chúng tôi mong rằng sau diễn đàn này, sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo chính phủ nhằm tháo gỡ các cơ chế để phát triển đối với cây dược liệu, đó là những cơ chế về con người, về tài chính về đất đai và các điều kiện khác”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham dự Hội thảo “Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, HTX”. Thông qua hội thảo, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về dược liệu và lĩnh vực kinh té tập thể đã chia sẻ các tham luận về Kinh tế thảo dược ở Việt Nam - Thực trạng và những vẫn đề đặt ra; Bảo tồn và phát triển dược liệu tại Việt Nam - Tiềm năng, thực trạng và một số giải pháp;Tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Một số kiến nghị về chính sách và pháp luật về lao động, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại và chế biến dược liệu…
Ngoài các hoạt động tham luận, tọa đàm, Diễn đàn còn tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại và đầu tư dược liệu Việt Nam” các phiên giao thương, kết nối xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp mua và bán để cùng lan tỏa sản phẩm Dược phẩm Việt Nam. Hội đồng Khoa học Kinh tế số thuộc Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số đã ký kết hợp tác chiến lược đồng hành với các HTX Dược liệu Việt Nam như Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung, đơn vị đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với hơn 40 ha cây dược liệu cho người dân huyện Lang Chánh, Thanh Hóa và một số HTX như Trà Hoa Vàng Ninh Bình, Công ty Bảo Minh Đường, Công ty OCASY, VINANUTRIFOOD...
Trong thời gian sắp tới, Viện Kinh tế số sẽ hỗ trợ tìm kiếm khách hàng và kết nối giao thương quảng bá sản phẩm cho các HTX Dược liệu Việt Nam. Công ty Cổ phần Lâm dược Ngọc Linh trong phiên xúc tiến thương mại cũng tìm đối tác xuất khẩu sản phẩm sâm Ngọc Linh, nấm Linh chi, nấm Lim, Giảo cổ lam, Chè dây, Đẳng sâm và các dược liệu miền núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Diễn đàn cũng quy tụ nhiều phiên giao lưu, xúc tiến thương mại, hợp tác chiến lược giữa các đơn vị HTX Dược liệu và Nhà máy...
Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam là ngày hội Dược phẩm Việt Nam, một sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, các HTX Dược liệu cùng giao thương hướng đến phát triển bền vững cùng đưa tinh hoa Dược liệu Việt lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Theo Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60 - 80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh.
Điều này cho thấy, nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.