Một ngày mới của chị Hồ Thị Dùa ở bản Huổi Toóng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên được bắt đầu từ rất sớm với bộn bề công việc gia đình. Vừa lo xong bữa cơm sáng cho cả nhà, chuẩn bị quần áo, sách vở cho các con đi học, chị Dùa lại tất tả thái rau, trộn cám cho đàn lợn, đàn gà đang réo ngoài chuồng. Gần 40 tuổi, chị Dùa có tới 5 người con gái và con số này sẽ không dừng lại nếu như chị không may mắn sinh được cậu con trai.
Gia đình thuộc hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô, giờ lại thêm gánh nặng đông con nên 2 vợ chồng chị luôn phải chạy ăn từng bữa, cuộc sống ngày càng trở nên vất vả. Chị Dùa chia sẻ: “Nếu đẻ được con trai thì chỉ đẻ 2 con thôi, nhưng mà không được con trai thì mới đẻ nhiều như thế. Khổ lắm rồi, chăm các con mệt không đi làm được”.
Nhận thức được sinh nhiều con sẽ khổ, làm kinh tế khó, con cái sinh ra cũng không được nuôi dạy, chăm sóc tốt, nhưng vì hủ tục, vì quan niệm “có nếp có tẻ” hoặc “phải có con trai để nối dõi tông đường” nên nhiều bà mẹ ở vùng cao như chị Dùa vẫn bỏ ngoài tai mọi lời tuyên truyền của cán bộ để… cố đẻ.
Đông con không chỉ khiến các gia đình tự đè nặng thêm nỗi lo về kinh tế mà còn là nỗi trăn trở của cả những cán bộ làm công tác dân số. Chị Đoàn Thị Huệ, cán bộ dân số phụ trách xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chia sẻ: 5 năm phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình ở 7 bản của xã, hằng tuần chị đều xuống địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sinh con thứ 3. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện vẫn chưa cao, bởi nhận thức của người dân còn thấp, nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. “Trong số 7 bản của xã thì có 2 bản vùng sâu đi lại rất khó khăn, vào mùa mưa, phải đi bộ vài giờ đồng hồ, do đó bà con ra ngoài trạm y tế rất ít. Cùng với nhận thức còn thấp nên việc truyền thông về công tác dân số đối với bà con cũng còn hạn chế”, chị Huệ cho biết.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, các huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao đều rơi chủ yếu vào những huyện nghèo, khó khăn, người dân đa số là đồng bào DTTS, như: Nậm Pồ chiếm 36,69%, Mường Chà 26,4%, Mường Nhé là 22,3%... Cá biệt, ở các địa bàn này có những xã tỷ lệ sinh con thứ 3 lên tới trên 50%.
Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên đang là một trong những tỉnh đứng tốp đầu trong toàn quốc về tỷ lệ sinh con thứ 3. Số con trung bình của một phụ nữ trên địa bàn đang ở ngưỡng 2,69 con/phụ nữ. Trong khi đó toàn quốc đã đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con. Như vậy, để đạt được mức sinh thay thế này thì tỉnh Điện Biên còn phải mất một khoảng thời gian khá dài để đuổi kịp với nhiều thách thức không nhỏ.
Cũng theo bà Vũ Thị Thùy, một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 ở tỉnh Điện Biên vẫn còn cao là do tiền thù lao trả cho cộng tác viên dân số thôn bản còn thấp, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động không thường xuyên.
Với những khó khăn đó có thể thấy được công tác thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu tối đa tỷ lệ sinh con thứ 3 ở tỉnh miền núi Điện Biên vẫn còn là một chặng đường dài, mất nhiều thời gian, công sức. Do đó, sẽ cần phải có nhiều hơn nữa sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc thay đổi nhận thức của người dân để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ khó khăn là dân số-kế hoạch hóa gia đình và dân số và phát triển, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
VŨ LỢI