Già làng, Người có uy tín A Hiang am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc“Đầu tàu” trong phát triển kinh tế
Sinh ra và lớn lên tại làng Kon Biêu, ông A Hiang (dân tộc Xơ Đăng - nhánh Tơ Đrá) thấu hiểu được những khó khăn trong cuộc sống của gia đình mình và dân làng. Trong ông luôn suy nghĩ phải thay đổi để có cuộc sống tốt hơn và trước hết là phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không thể bám vào cây lúa, cây sắn mãi.
Ông A Hiang chia sẻ: Gia đình có hơn 3ha đất sản xuất, nhưng cuộc sống luôn khó khăn bởi vì cây lúa, cây sắn mang lại thu nhập thấp. Vì thế, năm 2019 ông đã chuyển gần 1ha đất trồng sắn sang trồng cây cà phê, cây mắc ca. Bên cạnh đó vẫn duy trì 2ha sắn để có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Từ chỗ khó khăn, đến nay già làng A Hiang đã có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Bà con trong làng gọi ông A Hiang là “già làng xã hội”, bởi ông luôn lo toan mọi việc cho dân làng, từ việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình, bảo tồn văn hóa và xây dựng cảnh quan môi trường. Mọi người luôn tin, thực hiện theo những gì già làng A Hiang hướng dẫn”.
Chị Y Roa, làng Kon Biêu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy
Thấy già làng A Hiang nói được, làm được nên người dân trong làng đã học hỏi, làm theo. Ông A Dắt, làng Kon Biêu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy chia sẻ: Nhờ có già làng A Hiang mà bà con mình biết cách trồng cây cà phê, cao su. Như gia đình tôi, trước đây cũng chỉ biết trồng cây sắn, nhưng sau mỗi buổi họp thôn được nghe A Hiang tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn thì cũng đã trồng được cây cà phê. Năm nay cà phê được giá nên thu nhập khá, gia đình rất phấn khởi.
Làng Kon Biêu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có hơn 160 hộ, hơn 500 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm hơn 90%. Với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự tuyên truyền, vận động của già làng, Người có uy tín A Hiang, dân làng Kon Biêu đã nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách sản xuất. Hiện, toàn làng trồng hơn 200ha cây trồng hằng năm; gần 100ha cây lâu năm, chủ yếu là cao su, cà phê, mắc ca và các loại cây ăn trái. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2024 của thôn đạt khoảng trên 47 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 10 hộ.
Chung tay xây dựng làng
Thực hiện chủ trương xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, già làng, Người có uy tín A Hiang luôn phối hợp chặt chẽ với Chi bộ, các đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất làm đường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thực hiện nếp sống văn minh.
Ông A Hiang chia sẻ: Khi họp thì tôi cũng tuyên truyền, giải thích để bà con thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó bà con đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường, chăm lo phát triển kinh tế và cho con em đến trường học tập. Đặc biệt, để xóa bỏ tình trạng tảo hôn, tôi đề xuất và bà con thống nhất đưa vào hương ước, quy ước của làng, nếu gia đình nào vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật thì còn bị xử phạt theo lệ của làng. Từ đó, tình trạng tảo hôn đã không còn xảy ra.
Nhờ sự tuyên truyền, vận động của già làng, Người có uy tín A Hiang (bên trái), người dân làng Kon Biêu đã tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thôngChị Y Roa, làng Kon Biêu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết: Bà con trong làng hay gọi ông A Hiang là “già làng xã hội”, bởi ông luôn lo toan mọi việc cho dân làng, từ việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình, bảo tồn văn hóa và xây dựng cảnh quan môi trường. Tôi và bà con trong làng luôn tin, thực hiện theo những gì già làng A Hiang hướng dẫn.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, già làng, Người có uy tín A Hiang còn tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang và chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ trong làng. Nhờ vậy, làng Kon Biêu luôn duy trì được đội cồng chiêng, múa xoang và các lễ hội truyền thống. Với những đóng góp của già A Hiang, năm 2024, làng Kon Biêu đã được công nhận đạt chuẩn làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Đào Đức Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy cho biết: Ông A Hiang được bà con bầu chọn là già làng, Người có uy tín từ năm 2019. Trên cương vị của mình, ông luôn gương mẫu, tuyên truyền, vận động bà con trong làng nắm được các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cũng là người tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” vươn lên trong cuộc sống.