Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước với quan điểm “đi cùng và đi trước”, không chờ kế hoạch cụ thể từ cấp trên. Theo đó, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới (NTM)… góp phần tạo thành bước đột phá trong giảm nghèo hướng tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Từ năm 2022, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình của Trung ương đang chuẩn bị ban hành. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung cho chuẩn bị, đồng thời khẩn trương, sớm triển khai những nội dung đã có đủ căn cứ, điều kiện tiến hành; tập trung xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn ngân sách thực hiện Chương trình; hoàn chỉnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm cụ thể.
Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho rằng, để đạt được những mục tiêu đặt ra, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các địa phương cần thực sự tích cực, chủ động, nghiên cứu kỹ 3 chương trình MTQG, khẩn trương xác định nhiệm vụ thực hiện.
“Trên cần kịp thời, dưới phải chủ động khi thực hiện các chương trình MTQG. Đi cùng và đi trước, không thể chờ đợi nguồn vốn, kế hoạch cụ thể từ cấp trên nữa. Triển khai các nội dung liên quan đến 3 chương trình này cần xác định rõ nguồn lực, địa bàn, phạm vi, đối tượng để rà soát, đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả thực chất", ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai triển khai 3 chương trình MTQG: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt trên 9.471 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Lào Cai dự kiến bố trí 1.842 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai đã đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác như: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, giáo dục…
Nhờ định hướng đúng đắn này, đến nay, toàn tỉnh đã có 62/127 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, công nhận được 237 thôn NTM kiểu mẫu, 177 thôn NTM, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn NTM thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM và 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có thêm 40 thôn NTM và 16 thôn kiểu mẫu.
Tỷ lệ nghèo giảm 5,82/4,5%, bằng 129,33% kế hoạch giao, tương ứng giảm 9.770 hộ nghèo (số hộ nghèo còn 34.585 hộ/178.586 hộ trên địa bàn, chiếm 19,37%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,77%, tương đương giảm 1.071 hộ so năm 2021 (số hộ cận nghèo còn lại 21.733 hộ/178.586 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17% so với tổng số hộ trên địa bàn); tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7/6, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao, tương đương giảm 4.191 hộ nghèo (Bắc Hà giảm 8,8%; Si Ma Cai giảm 7,5%; Mường Khương giảm 7,7%; Bát Xát giảm 8,3%).
Có thể thấy rằng, việc chủ động “đi cùng và đi trước” trong giảm nghèo bền vững ở tỉnh Lào Cai đã tạo thành phong trào thi đua nòng cốt trong thực hiện các chương trình MTQG và là nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng và hiệu quả bền vững của các chương trình MTQG, đặc biệt là chương trình MTQG giảm nghèo.