Đền bù như làm từ thiện!
Rạng sáng ngày 24/6/2019, Nhà máy thủy điện Sử Pán 1, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) bất ngờ xả lũ, gây ngập úng nặng ở vùng hạ du. 62 hộ dân ở thôn Bản Dền và thôn La Ve của xã Bản Hồ bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, cây trồng, vật nuôi. Trận lũ còn làm đứt cáp cầu treo Bản Dền, 2 công trình thủy lợi; ước tính tổng thiệt hại do thủy điện xả lũ trên 8,7 tỷ đồng.
Sau sự cố, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đã nhận trách nhiệm và cam kết sẽ đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Nhưng đến nay, chủ đầu tư mới chuyển 700 triệu đồng để hỗ trợ Nhân dân. Còn những công trình dân sinh được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn bị hư hỏng vẫn giữ nguyên trạng, do chưa có kinh phí sửa chữa.
Sự việc tương tự cũng xảy ra ở vùng hạ du của những công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hơn 1 năm trước (cuối tháng 8/2018), quá trình xả lũ hối hả, đồng loạt của các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Ang, Chi Khê đã tạo nên dòng lũ lớn càn quét nhiều bản làng ở hai huyện Tương Dương, Con Cuông.
Theo kết quả khảo sát của Đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An, việc xả lũ sai quy trình của các nhà máy thủy điện đã gây thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng. Chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần “thúc” các chủ đầu tư thủy điện đền bù thiệt hại cho Nhân dân.
Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, các chủ đầu tư cũng chỉ chi một khoản tiền nhỏ giọt “gọi là có” để thực hiện trách nhiệm của mình. Chính Bí thư Huyện ủy huyện Tương Dương, ông Nguyễn Thanh Hải đã thẳng thắn chỉ trích: “Các chủ đầu tư thủy điện mới thực hiện hỗ trợ giống như làm từ thiện, chứ không phải thực hiện đền bù theo trách nhiệm của mình”.
Khập khiễng trong kiểm kê thiệt hại
Tình trạng chủ đầu tư các công trình thủy điện xả lũ làm thiệt hại tài sản của Nhân dân, nhưng khi thực hiện đền bù lại “như làm từ thiện” được hiểu theo hai khía cạnh. Đầu tiên là, khi gây thiệt hại do vận hành sai quy trình thì chủ đầu tư phải thực hiện đền bù, hỗ trợ. Nhưng do thiếu trách nhiệm nên không ít chủ đầu tư nhà máy thủy điện chậm chi trả.
Ở khía cạnh khác, việc đền bù, hỗ trợ cho Nhân dân sau những lần xả lũ đều thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại trên thực tế. Sự “khập khiễng” này là do cơ quan chuyên môn (Sở Tài chính) của các địa phương cứng nhắc khi kiểm kê và đánh giá tài sản cố định, vật kiến trúc bị thiệt hại. Hiện nay, việc kiểm kê, đánh giá được cơ quan chuyên môn áp dụng theo Văn bản số 1326/BXD-QLN ngày 8/8/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng Quyết định số 352/QĐ-TTg là văn bản quy định kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Nhưng khi kiểm kê, đánh giá thiệt hại về tài sản, vật kiến trúc của người dân, cơ quan chuyên môn lại vẫn áp dụng những quy định này vào để tính toán. Đây là vấn đề cần sớm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để người dân “hậu” tái định cư thủy điện được bảo đảm cuộc sống.