Theo đó, phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao.
Đồ uống có đường, theo định nghĩa của WHO là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Hiện việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của WHO.
WHO cũng khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại đến sức khỏe.
Mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh cũng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Hiện, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan đang xây dựng dự thảo về thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường./.