Ổn định sản xuất vùng tâm lũ
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2022 tại huyện Kỳ Sơn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, công trình hạ tầng, dân sinh… Tâm lũ là bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Theo thống kê, lũ đã khiến 1 người chết, 55 căn nhà bị cuốn trôi, 141 căn khác bị hư hỏng nặng, 36 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì sạt lở… ước tính lên đến 200 tỷ đồng.
Sau lũ quét, Huyện ủy - UBND huyện Kỳ Sơn đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con, nhất là khu vực tái định cư, đất đai sản xuất cho vùng diện tích ruộng bị vùi lấp, trong đó nhiều nhất là cho các bản Hòa Sơn, Sơn Hà và Bình Sơn 1.
Để người dân có sinh kế lâu dài ổn định cuộc sống, cùng với việc cải tạo đồng ruộng, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất rau sạch trên đồi. Những hộ gia đình tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất được huyện hỗ trợ phương tiện máy móc cải tạo đất, vật tư phân bón, giống, hệ thống đường ống dẫn nước, lưới…
Với mô hình này bản Hòa Sơn đã có 11 hộ gia đình tham gia mô hình như trồng dưa siêu quả, bầu siêu ngọn và kết hợp với chăn nuôi cá, lợn đen, gà đen, bò. Trong vụ Đông Xuân 2022-2023 đã cho thu nhập khá, điển hình như gia đình ông Vi Văn Dũng (bản Hòa Sơn) đã cải tạo hơn 2000 mét vuông vườn để trồng trồng dưa, rau, bầu, bí… ngoài ra hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, ao cá, tổng thu nhập vụ Đông Xuân vừa qua của gia đình ông gần 40 triệu đồng (chưa kể nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò).
Theo ông Vi Văn Dũng “sản xuất theo mô hình kinh tế vườn đồi ở đây theo phương thức xen liên tục, nếu chủ động khắc phục được yếu tố thời tiết như nắng nóng vào mùa hè, úng về mùa mưa thì sẽ có thu nhập ổn định”.
Vựa lúa của Tà Cạ là tâm lũ bản Hòa Sơn cũng đã chuyển đổi mô hình sản xuất sang trồng rau màu bằng việc cải tạo đất. Các lực lượng bộ đội, công an, đoàn thanh niên và người dân địa phương đã dời đá, san gạt đất hàng tháng trời để có những thửa ruộng canh tác cho kịp mùa vụ. Đến nay, bản Hòa Sơn đã cải tạo và có 6ha đất rau màu hàng hóa. Thực hiện chương trình MTQG 1719, nhiều mô hình sinh kế cũng đã được hỗ trợ cho bà con tâm lũ nói riêng, toàn xã Tà Cạ nói chung. Các mô hình kinh tế như nuôi lợn đen, cá lăng thương phẩm cũng đã được thực hiện tại các bản Sơn Thành, Cánh, Na Nhu, Sa Va…
Sản xuất lúa, hoa màu… đã trở lại với bà con vùng lũ cũng như toàn xã Tà Cạ. Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn thống kê: Diện tích lúa nước 2 vụ là 34,55ha, riêng vụ xuân 2024 là 26,4ha. Địa phương dự kiến vụ hè thu 2024 sẽ trồng 15ha ngô, 40ha lạc đồi.
Tà Cạ hồi sinh…
Tà Cạ hôm nay đã không còn dáng vẻ của vùng đất từng hứng chịu thảm họa thiên tai. Màu xanh tốt của ruộng nương, màu tươi mới của những ngôi nhà kiên mới và những ngôi nhà lắp ghép do Bộ Công an hỗ trợ khiến cho bản Hòa Sơn, Sơn Thành thêm khang trang. Cùng với đó, nguồn lực từ Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đã kịp thời hỗ trợ cho đồng bào các DTTS ở Tạ Cạ đất ở, nhà ở, đất sản xuất với hàng trăm hộ gia đình hưởng lợi. Từ đó, đồng bào đã sớm ổn định cuộc sống sau lũ dữ. Bằng chứng rõ nhất là người dân vùng lũ được bố trí đất tái định cư để ổn định cuộc sống, được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt tập trung…
Hiện nay, con đường bê tông từ bản Cánh đi bản Hòa Sơn cũng vừa được dựng xây xong từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, bê tông ngay dòng Huồi Giảng cũng đã được thi công để bảo vệ nơi sinh sống của người dân.
Điều rất đáng quan tâm, từ nguồn lực chương trình MTQG 1719, nhiều công trình như hỗ trợ nước tập trung bản Cánh với tổng mức đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, đường giao thông nội bản Sơn Hà cũng đã được xây dựng phục vụ nhu cầu người dân Tà Cạ. Năm 2024, một số công trình mới từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 cũng đã tổ chức đấu thầu thi công như nhà văn hóa bản Bình Sơn 2, đường giao thông vào khu sản xuất bản Hòa Sơn và Bình Sơn 1, sửa chữa trạm y tế xã, sửa chữa công trình thủy lợi bản Cánh và bản Bình Sơn 2…
Rồi đây, khi giai đoạn 1 của Chương trình MTQG 1719 kết thúc, bộ mặt xã Tà Cạ nói chung, tâm lũ bản Hòa Sơn nói riêng sẽ lột xác bằng những công trình hạ tầng cơ sở mới dựng xây và đưa vào sử dụng. Nhưng quan trọng hơn, những mô hình sinh kế được hỗ trợ và thực hiện sẽ là điều kiện để bà con ổn định cuộc sống lâu dài.
Trong những nỗ lực để người dân vùng lũ Hòa Sơn nói riêng, người dân Tà Cạ nói chung có cuộc sống mới tốt đẹp hơn, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và triển khai xây dựng khu tái định cư và công trình nước sinh hoạt tập trung bản Hòa Sơn từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư.
Không dấu nổi niềm vui, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn trải lòng: Tà Cạ đã thực sự hồi sinh. Sau lũ, Bộ Công an đã tặng đồng bào ở Tà Cạ 58 ngôi nhà lắp ghép. Tòa án Nhân dân tỉnh cùng Tòa án Nhân dân huyện đã xây dựng 2 nhà đại đoàn kết... Quan trọng hơn, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 nhiều công trình dân sinh thiết thực, nhiều mô hình sinh kế hiệu quả đã thực hiện càng nhen lên niềm tin, hi vọng về một cuộc sống mới nơi Tà Cạ.