Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 vừa ký hai Tờ trình số 49 /TTr-HĐNN3 và 50/TTr-HĐNN3 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.
Theo đó, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 (Hội đồng cấp Nhà nước) đã tổ chức phiên họp toàn thể tại trụ sở Bộ VHTTDL từ ngày 21-22/12/2021. Tại phiên họp, Hội đồng cấp Nhà nước đã xét 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, xét 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình.
Căn cứ kết quả cuộc họp, có 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” đạt từ 90% số phiếu thành viên đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3. Có 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” đạt từ 90% số phiếu thành viên đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.
Dựa trên kết quả này, Chủ tịch Hội đồng đã trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 70 nghệ nhân và truy tặng 1 nghệ nhân; tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho 582 nghệ nhân và truy tặng cho 18 nghệ nhân.
671 nghệ nhân được đề nghị xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” là những “báu vật nhân văn sống”, là những nhân tố đã, đang nắm giữ, bảo vệ và trao truyền những giá trị tinh túy của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tri thức dân gian; Ngữ văn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống. Trong đó, các “Nghệ nhân Ưu tú”, các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có số lượng lớn nhất.