Sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, tỉnh Quảng Trị có chủ trương di dời nhiều cụm dân cư và nhiều hộ gia đình đơn lẻ ra khỏi những địa điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, chia cắt. Từ nguồn vốn dự phòng Trung ương cấp, nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nông thôn mới) đã tạo động lực mạnh mẽ để Quảng Trị tiến hành các dự án ổn định khu dân cư.
Song song với việc dựng bản, lập làng mới, HĐND tỉnh Quảng Trị cũng ban hành Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND, ngày 28/3/2023 quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025.
Tại Điểm a, Mục 6, Điều I, Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị có nêu rõ về “nội dung và định mức hỗ trợ”. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân di dân theo hình thức tập trung và xen ghép thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực, nước sinh hoạt ở vùng miền núi: 70 triệu đồng/hộ, đối với vùng đồng bằng: 60 triệu đồng/hộ. Tại Điểm b và c của Mục 6, Điều I cũng có quy định về mức hỗ trơ đối với hộ gia đình tại chỗ để nâng cấp và sửa nhà là 20 triệu, Ngoài ra, chính quyền cấp huyện, thị xã có thể huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm….
Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân ở những khu di dân khẩn cấp những gì cần thiết trước mắt. Tuy nhiên, để người dân an cư với nơi ở mới vẫn còn thiếu những hỗ trợ mang tính dài hơi, đặc biệt là vấn đề sinh kế ở những bản làng mới lập.
Theo ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, để thực hiện chính sách này cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Không phải vùng bố trí dân cư nào cũng may mắn xây dựng được một bản làng mới gắn liền sinh kế cho người dân một cách bài bản, quy mô.
Để người dân, đồng bào các DTTS ở những bản làng mới lập thật sự an cư, thì vẫn đề sinh kế lâu dài cần phải đảm bảo. Muốn làm được như vậy, khi khảo sát chọn địa điểm lập làng, bản mới cần phải đưa ra các tiêu chí về diện tích. Trong đó tiêu chí đất sản xuất cần được đưa lên hàng đầu trong quá trình chọn đất lập bản, làng mới.
Quỹ đất để tạo sinh kế phải là đất sạch, đất được cải tạo phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, phân loại đối tượng ngay từ khi xây dựng phương án di dân. Để từ đó, có các phương án hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề phù hợp giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Ở Quảng Trị, có thể tham khảo mô hình “Thôn nghĩa tình Sơn Hải” ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa để thực hiện đồng loạt các dự án di dân khẩn cấp khác. Dự án này do Tập đoàn Sơn Hải tài trợ để hỗ trợ ổn định cuộc sống cho 56 hộ đồng bào DTTS ở các thôn Cuôi, Tri, Cha Lỳ, xã Hướng Lập (bị mất và hư hỏng nhà do sạt lở đất trong đợt mưa lũ năm 2020).
Ngoài xây dựng một bản làng mới với những ngôi nhà kiên cố kèm hệ thống đồng bộ về hạ tầng như: giếng khoan, đường giao thông, đường dây điện, trường học, Tập đoàn Sơn Hải còn hỗ trợ gạo ăn cho dân bản trong vòng 3 năm. Đặc biệt, Tập đoàn hỗ trợ kinh phí cải tạo mặt bằng để hình thành 7,59ha ruộng lúa bậc thang ngay tại nơi ở mới để bà con sản xuất, làm chủ lương thực. Ngoài ra, còn tặng mỗi hộ 1 con bò, giúp người dân có sinh kế.
Để biến vùng đất đồi thành những thửa ruộng bậc thang, Tập đoàn Sơn Hải đã cho đơn vị thi công san gạt mặt bằng. Trong quá trình làm, đơn vị thi công đã múc phần đất tầng mặt để riêng, cải tạo xong đồng ruộng thì phủ lại phần đất mặt để tạo độ mùn, dinh dưỡng cho đồng ruộng.
Hiện nay, đơn vị đang xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe suối về tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa nước này. Dự kiến đến năm 2026, dân bản có thể trồng lúa nước trên diện tích ruộng bậc thang ngay tại gần bản mới lập.
Những dự án di dân khẩn cấp phần lớn được thực hiện ở vùng biên giới, miền núi và vùng đồng bào DTTS. Đây là nhưng nơi có địa hình có nhiều bất lợi, quỹ đất bằng đặc biệt là đất sản xuất thiếu. Tuy nhiên, nếu rà soát và tiến hành khảo sát kỹ các quỹ đất, các địa phương vẫn có thể chọn ra được vị trí phù hợp để lập làng, bản mới. Đặc biệt, các địa phương cũng cần nhân rộng những mô hình điểm, như mô hình “Thôn nghĩa tình Sơn Hải” ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa của Tập đoàn Sơn Hải. Với cách làm của Tập đoàn, đồng bào các DTTS ở các thôn bản mới lập mới thực sự “an cư”.