Những vụ việc gây bất bình
Mới đây, dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin khoảng 100 cây thông nằm gần khu dân cư, giáp ranh giữa xã Mê Linh và thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, kẻ gian đã dùng khoan tay, khoan nhiều lỗ vào từng gốc thông rồi đổ hóa chất, thường là thuốc trừ cỏ, dạng lưu dẫn, nhằm mục đích làm cho cây rừng chết. Trung bình, mỗi gốc thông ở đây bị khoan từ 3-5 lỗ vào giữa thân cây. Đáng xót xa là vị trí rừng thông mới bị đầu độc cách vị trí cây mới bị đầu độc trước đó chỉ khoảng 150m.
Theo nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, mục đích của việc phá hoại rừng thông là để lấn chiếm đất rừng sản xuất nông nghiệp, bởi tình trạng này thường xuyên xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng. Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà đã phối hợp với Công an huyện Lâm Hà và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà kiểm đếm, thống kê số lâm sản bị thiệt hại, đồng thời xác minh, khẩn trương truy tìm người đã đầu độc rừng thông.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, mà tình trạng đầu độc cây rừng đã diễn ra rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Trước đó, tại xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, hơn 200 cây rừng tự nhiên, đường kính từ 10 - 20cm, gồm: Thành ngạnh, cà nhí, cứt mọt, cóc rừng, sắn ổi, cà gằng, căm xe... cũng bị các đối tượng xấu gây hại, khoan lỗ, đổ hóa chất (loại thuốc trừ cỏ hiệu Trâu Đen thu được vỏ chai tại hiện trường) vào bên trong để đầu độc.
Qua kiểm tra, một số cây rừng tại tiểu khu 70 này đã bị khô lá, có hiện tượng chết khô. Một số cây còn lại được lực lượng bảo vệ rừng bơm nước vào vết khoan trên cây để tẩy rửa chất độc.
Nhận định đây là hành vi hủy hoại tài sản rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức điều tra, xác minh đối tượng có hành vi khoan cây, đổ hóa chất, gây thiệt hại đến cây rừng tự nhiên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hay tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cũng đã diễn ra một vụ đầu độc cây rừng để trồng thanh long. Theo đó, khu rừng gần núi Đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ở thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận bỗng dưng chết bất thường. Hàng loạt cây gỗ đường kính 15 - 40cm trên diện tích hơn 2.000m2 đã rụng hết lá, chết khô, vỏ bong tróc. Trên cây có dấu đục ở gốc và dấu khoan vào thân đã cũ. Hàng chục cây đã bị cưa lìa khỏi gốc, nằm ngã xuống...
Hàng loạt vụ việc đầu độc cây rừng với mục đích lấy đất canh tác diễn ra liên tiếp ở một số địa phương có rừng trong thời gian gần đây, tuy nhiên, đến nay các biện pháp ngăn chặn tình trạng “bức tử” rừng lấn chiếm đất sản xuất này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để.
“Cấp cứu” cây rừng
Rừng là tài nguyên vô cùng quý và rất khó gây dựng, phải trải qua hàng trăm năm, với điều kiện không có tác động gây hại thì rừng tự nhiên mới hình thành. Hơn thế, rừng lại càng trở nên đáng quý hơn với những nơi đặc thù thời tiết nhiều nắng, ít mưa, khô hạn nhiều như tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận..., bởi tác dụng điều hòa khí hậu, ngăn chặn lũ lụt, đồng thời giữ lại nguồn nước ngầm cần thiết.
Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng lũ lụt xảy ra thường xuyên, thiệt hại về người và tài sản là vô cùng nghiêm trọng, phần lớn do tác động của việc khai thác, chặt, đốt phá và đặc biệt là hành vi đầu độc, hủy hoại, bức tử cây rừng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Nguyên nhân không chỉ là do các chủ rừng đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý và ý thức người dân còn kém. Trong khi đó, công tác ngăn chặn, xử lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời và phát huy hiệu quả, để hàng trăm héc ta rừng bị chặt phá trái phép.
Theo luật hiện hành thì hành vi đầu độc cây rừng bị xếp vào hành vi phá rừng. Khung hình phạt cho hành vi này rộng, tùy mức độ vi phạm và loại rừng bị phá.
Đối với hành vi đầu độc, hủy hoại cây rừng trái phép còn tùy thuộc vào mức độ quý hiếm của loại gỗ khai thác thuộc nhóm nào, số lượng ít hay nhiều, có giá trị lớn hay không để xác định được chính xác mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, căn cứ vào Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Người vi phạm bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng tùy diện tích, đường kính cây, loại rừng bị phá. Trong trường hợp phá rừng vượt ngưỡng 5.000m2 (rừng sản xuất), 3.000m2 (rừng phòng hộ), 1.000m2 (rừng đặc dụng) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Tuy vậy trong thực tế, phát hiện và xử lý, phạt tù những đối tượng đầu độc cây rừng này không hề dễ dàng, bởi hoạt động phá rừng kéo dài, ban đầu chỉ vài cây ở quy mô nhỏ, rời rạc. Chỉ đến khi thống kê lại sau nhiều năm mới hiện ra những con số lớn, nhưng lúc này lại không biết tìm ai để quy trách nhiệm.
Do đó, rất cần những giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn nạn phá rừng nói chung, các thủ đoạn hủy hoại cây rừng nói riêng. Trong đó, cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật bảo vệ rừng, đủ sức nghiêm minh và răn đe. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cùng chung tay bảo vệ rừng, phát hiện và kịp thời tố giác tội phạm phá rừng để xử lý theo quy định.