Xin thải xuống biển
Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, địa phương có khoảng 335ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng hành, tỏi. Theo tập quán canh tác, khoảng 1 năm, người dân cào bỏ lớp đất, cát cũ trên mặt thay lớp đất mới để hành, tỏi. Ước tính lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ thải khoảng 10.200m3/năm.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Thời gian qua, huyện Lý Sơn đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp, với diện tích hơn 3.300 m2 nhưng không đủ để chứa lượng đất thải nên người dân tự ý đổ khắp nơi.
“Hiện việc tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lý Sơn; cũng như việc xử lý khối lượng đất thải này gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Lý Sơn đã trình xin ý kiến các sở, ngành, UBND tỉnh để xử lý. Tuy nhiên, để tìm được nơi phù hợp để chứa hàng nghìn m3 đất thải mỗi năm đang là bài toán khó đối với huyện Lý Sơn.
Trên cơ sở đề xuất của người dân và thực tế không có nơi đổ đất thải sản xuất nông nghiệp trên đảo, UBND huyện Lý Sơn vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi, xin ý kiến tham vấn về việc người dân Lý Sơn xin đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển. UBND huyện Lý Sơn cũng đề nghị, Sở TN&MT tỉnh quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định hiện hành.
Chỉ đồng ý tạm thời
Liên quan đến kiến nghị của UBND huyện Lý Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến, để đảm bảo đất thải khi đổ xuống không làm ảnh hưởng đến môi trường biển, sau mỗi lần thay đất, chính quyền địa phương cần tổ chức thu gom lượng đất thải nông nghiệp về một đầu nối; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học trong lượng đất thải trên. Nếu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thì đổ ra biển, còn nếu các chỉ tiêu trên vượt mức giới hạn cho phép cần phải có biện pháp xử lý trước khi thải ra biển.
Còn về phía Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng: Trong quá trình tham mưu xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Lý Sơn, nên nghiên cứu theo hướng tận dụng phục vụ thi công san lấp mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Nếu quy hoạch vị trí đổ thải riêng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 huyện Lý Sơn được phê duyệt.
Sở TN&MT tỉnh đồng thuận và có ý kiến thêm, trước mắt đồng ý phương án cho người dân thải đất xuống biển nhưng phải kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên về lâu dài, đề nghị UBND huyện Lý Sơn tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí đổ đất thải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp; cũng như đảm bảo quy hoạch xây dựng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.