Sáng tinh mơ thuê người đi… cưỡng chế!
Rạng sáng ngày 7/11/2022 (khoảng 4 giờ sáng), một nhóm người mang theo cưa xăng đến vườn cà phê ở thôn 19/8, xã Hòa Đông của ông Nguyễn Thành Giang, 48 tuổi (trú tại xã Hòa Đông) tiến hành chặt bỏ hàng loạt cây cà phê đang trong vụ thu hoạch; cùng với đó là rất nhiều cây sầu riêng trồng xen đã được 4 - 5 tuổi và hàng chục cây muồng đen, nhiều cây trên dưới 20 năm tuổi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, vườn cây bị chặt phá nằm trong thửa đất số 87, tờ bản đồ số 3, có diện tích 10.300m2, diện tích bờ lô 1.357m2; thuộc Đội 19/8 – Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi quản lý (tiền thân là Nông trường Thắng Lợi). Ông Nguyễn Thành Giang nhận khoán (khoán gọn) để chăm sóc vườn cây từ năm 2011 đến nay.
Vụ việc chặt phá vườn cây của ông Giang xuất phát từ việc ông Giang chưa nộp sản cho Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi trong niên vụ 2018 – 2019 nên bị Công ty khởi kiện. TAND hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) ở Đăk Lăk tuyên ông Giang phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng ông Giang không thực hiện, dẫn tới việc Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thuê người đến chặt phá vườn cây.
Trong vụ việc này, dù Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi có được phép cưỡng chế thi hành án đối với ông Giang, thì cũng đã vi phạm quy định của Luật thi hành án Dân sự năm 2008, được sửa đổi năm 2014. Theo quy định tại điều 46 của luật này thì không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Nhưng không hiểu vì lý do gì, ngày 7/11/2022, khi gà chưa gáy, Công ty đã cho người đến chặt phá vườn cây của ông Nguyễn Thành Giang?
Kê biên gấp 6 lần nghĩa vụ thi hành án?
Vì sao ông Nguyễn Thành Giang không chấp hành thi hành án theo yêu cầu của TAND để đến nỗi vườn cây bị chặt hạ? Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, trong quá trình nhận khoán, ông Giang đều thực hiện đủ nghĩa vụ nộp sản đầy đủ cho Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi
Tuy nhiên, từ niên vụ 2018 – 2019, do xảy ra tranh chấp trong quá trình cổ phần hóa Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (trước đó là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi) nên đại đa số các hộ nhận khoán với Công ty, trong đó có ông Giang, quyết định “đình sản” – tức là tạm dừng nộp sản cho Công ty, chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cụ thể, triệt để việc tranh chấp trong quá trình cổ phần hóa thì mới tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.
Nhưng trong khi chờ được giải quyết tranh chấp, thì Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đã đệ đơn lên TAND huyện Krông Păk, đề nghị Tòa yêu cầu ông Giang trả cho Công ty 5.198 kg cà phê quả tươi của niên vụ 2018 - 2019. Tòa án sơ thẩm (sau đó là cấp phúc thẩm) đều chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, buộc ông Giang phải nộp 5.198 kg cà phê quả tươi của niên vụ 2018 – 2019 và tiền án phí theo quy định.
Theo giá trị hiện hành, số tiền ông Giang phải nộp sản cho Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi là hơn 42,6 triệu đồng và tiền án phí. Nhưng không biết tính toán kiểu gì, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Păk lại kê biên tài sản bán đấu giá của ông Giang lên hơn 272,2 triệu đồng, gấp hơn 6 lần nghĩa vụ thi hành án.
Điều này là vi phạm khoản 1, Điều 13 - Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật thi hành án dân sự. Đó là chưa nói, theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình định giá tài sản, đơn vị thi hành án không thông báo cho đương sự quyền mời đơn vị định giá tài sản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của người phải thi hành án.
Không đồng tình nên ông Giang không bỏ tiền để chuộc lại tài sản đã kê biên. Vì đây là tài sản chung (gồm Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi và ông Giang), nên Công ty Cổ phần Cà phê Thắng lợi đã bỏ hơn 272,2 triệu đồng để mua lại phần tài sản đã kê biên của ông Giang. Cho là mình có quyền định đoạt nên Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi đã tổ chức “cưỡng chế” bằng cách tiến hành chặt hạ vườn cây trái pháp luật như đã nêu trên.
Định giá không đúng giá trị thực tế
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ngay cả khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Păk định giá tài sản kê biên bán đấu giá, buộc ông Giang phải nộp 272,2 triệu đồng để chuộc lại, thì cũng không đúng giá trị thực tế vườn cây đã bị chặt phá. Ước tính sơ bộ vườn cây của ông Giang bị chặt phá tại thời điểm này phải xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Dương Thị Thủy, sinh năm 1976, vợ ông Nguyễn Thành Giang, cho biết, cà phê trong vườn đang vụ thu hoạch. Quan trọng nhất là hàng chục cây sầu riêng, cây muồng đen có giá trị kinh tế lớn hơn nhiều. Theo ước tính, bình quân cây sầu riêng cho thu hoạch 10 triệu đồng/vụ/cây. Còn với cây muồng đen, với vòng đời 20 tuổi, thì giá trị ngoài thị trường cũng lên đến 2 - 3 triệu đồng/cây.
Theo bà Thủy, từ năm 2011, vợ chồng bà nhận khoán gọn chăm sóc vườn cây với Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Mặc dù trên danh nghĩa là Công ty có bỏ chi phí phân bón, kỹ thuật,… nhưng trên thực tế là “khoán trắng”; gia đình bà phải bỏ tiền chăm bón 100%. Với sầu riêng, không tính tiền công, thì bình quân mỗi cây mỗi năm phải tốn trên dưới 1 triệu đồng tiền phân bón, cây càng lớn thì chi phí chăm bón càng cao.
Tính sơ sơ, để chăm sóc vườn cây hiện đã bị chặt phá, gia đình bà Thủy đang nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Từ sau Tòa tuyên án, tài sản bị kê biên, ngân hàng buộc gia đình bà phải trả nợ. Chẳng còn cách nào khác, bà Thủy đành phải đi vay nóng bên ngoài, với lãi suất 1,5% để trả cho ngân hàng.
Lo sợ hiệu ứng “đô – mi – nô”
Vụ việc của gia đình ông Nguyễn Thành Giang đang gây lo lắng cho gần 1.000 hộ nhận khoán từ Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Bởi cũng như ông Giang, từ niên vụ 2018 – 2019, do bất đồng trong phương án cổ phần hóa, đại đa số các hộ nhận khoán đều “đình sản” như đã nêu trên.
Một động thái mới đây là, TAND tỉnh Đăk Lăk đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng giao khoán theo đề nghị của nguyên đơn, là Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, với 9 hộ nhận khoán ở xã Hòa Đông, với lý do không nộp sản từ niên vụ 2018 – 2019 đến nay. Trong Bản án số 65/2022/DS-PT ngày 06/04/2022 của TAND tỉnh Đăk Lăk, Tòa đã buộc 9 hộ nhận khoán thực hiện nghĩa vụ nộp sản, đồng thời buộc các hộ phải trả lại đất giao khoán cho Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi.
Nguy cơ mất đất, mất cả tài sản trên đất như trường hợp của ông Nguyễn Thành Giang đã treo lơ lửng trên chái nhà của các hộ nhận khoán. Chính vì vậy, gần 1.000 hộ dân nhận khoán với Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, đã liên tiếp gửi đơn kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, từ huyện Krông Păk, rồi lên tỉnh Đăk Lăk và ra cả Trung ương để kêu cứu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, việc các hộ nhận khoán quyết định “đình sản” xuất phát từ sự mập mờ của Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với các hộ dân từ năm 1998 đến nay. Không những vậy, khi thực hiện cổ phần hóa từ năm 2016, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng lợi đã lập lờ, “lách” các quy định của pháp luật để thâu tóm tài sản đã được người dân mua lại để trục lợi; tìm cách thâu tóm hàng trăm ha đất liên kết đã từng được Nông trường Thắng Lợi (tiền thân của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi) giao đất cho các hộ gia đình là cán bộ, công nhân viên của Nông trường. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Cà phê Thắng lợi đang quản lý nhiều diện tích “đất vàng” dọc theo Quốc lộ 26 nhưng bỏ không, lãng phí.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Trong tháng 10/2022, Báo Dân tộc và Phát triển đã khởi đăng loạt bài: “Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS và miền núi”. Loạt bài phản ánh những tồn tại, hạn chế, thậm chí vi phạm quy định pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh. Ngày 14/11/2022, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi; trong đó có nội dung đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi và việc quản lý và sử dụng đất do các nông, lâm trường; công ty nông, lâm nghiệp quản lý.