Nhớ ngày… “dịch dã”
Chỉ mới cách nay chừng 4 tháng thôi, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên khắp cả nước hãy còn rất căng thẳng. Đâu đâu cũng cảnh khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn… Những nhân viên y tế trong bộ áo quần bảo hộ, mệt mỏi với truy vết, khoanh vùng để dập dịch.
Xa hơn một tí, cách nay chừng một năm, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn căng thẳng gấp bội phần. Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh những y, bác sĩ làm nhiệm vụ chống dịch. Vì dịch bệnh, họ đã phải bám chốt, bám vị trí trong cồn cào ruột gan vì có người thân qua đời nhưng chẳng thể về chịu tang. Rồi những cán bộ y tế con còn nhỏ, bố mẹ già yếu, nhưng vẫn tự nguyện xung phong vào tâm dịch… mà chưa hề biết sắp tới sẽ thế nào.
Dẫu biết dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, nhưng đã chẳng thấy ai nao núng, sờn lòng mà tất cả chỉ hừng hực một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống bình yên trở lại với mỗi nhà.
Tôi đã gặp, trò chuyện với rất nhiều nhân viên y tế về kí ức những ngày tham gia chống dịch, ai cũng rất đỗi tự hào. Xin được trích dẫn lời của một nhân viên điều dưỡng khoa Sản, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An để minh chứng cho điều này: “Đó là quãng thời gian vất vả, nguy hiểm nhất, đáng nhớ nhất kể từ khi tôi vào ngành Y. Dù vất vả, nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì đã góp chút công sức để chiến thắng đại dịch”, chị Nguyễn Thị Châu bộc bạch.
Ghi nhận công lao, đóng góp và cũng để chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các lực lượng tham gia nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 về chi phí cách li y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tại điều 2 đã quy định 7 chế độ phụ cấp chống dịch, dành cho các đối tượng từ nhân viên trực tiếp chống dịch, đến ban chỉ đạo các cấp… với các mức phụ cấp khác nhau. Cụ thể, mức hộ trợ cao nhất là 300.000 đồng/người/ngày và thấp nhất là 80.000 đồng/người/ngày.
Chế độ chi trả chưa đầy đủ
Chị T. là cán bộ của một cơ sở y tế ở TP. Vinh (Nghệ An), xin được giấu tên, kể: Khi dịch bắt đầu bùng phát ở Nghệ An, tôi được huy động tăng cường đến khắp các điểm nóng, những ổ dịch phức tạp nhất, với công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm, nhưng cũng có lúc vì quá tải, phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Làm việc nhiều, lại phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, có nhiều lúc, chị tưởng chừng như kiệt sức.
Theo Nghị quyết 16 trên thì, khoản phụ cấp mỗi ngày mà chị T. được hưởng là 300.000 đồng. Nói về khoản phụ cấp này, chị T. ngậm ngùi: Đến bây giờ, tôi và những đồng nghiệp vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp chống dịch. Dù đó có thể không phải số tiền lớn, nhưng là sự ghi nhận đối với đội ngũ tham gia chống dịch.
Chị T. chỉ là một trong nhiều trường hợp ở Nghệ An vẫn chưa được nhận đầy đủ khoản phụ cấp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, TP. Vinh đã huy động 100% nhân viên y tế trên địa bàn các phường, xã và nhiều nhân viên y tế trong các bệnh viện công, tư tham gia công tác phòng chống dịch. Hiện tại, đã có 1,4 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho nhân viên y tế được chi trả. Số tiền còn lại khoảng hơn 12 tỷ đồng chưa được chi trả.
Theo ông Lê Duy Sỹ, Phó giám đốc TTYT TP. Vinh, việc chậm trễ chi trả chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19 là do trong quá trình lập hồ sơ xét còn một số vấn đề như: chồng chéo, trùng lặp trong xác định đối tượng, nhiệm vụ nên các phòng ban trả hồ sơ, làm lại, mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, các đơn vị cũng phải rà soát, đối chiếu kỹ để mọi người không bị thiệt thòi.
Ông Sỹ cho biết: Đơn vị đã có tờ trình lên UBND TP. Vinh để nhanh chóng chi trả số tiền này cho nhân viên y tế. Chúng tôi cũng mong muốn UBND TP. Vinh xem xét, lựa chọn ưu tiên để chi trả cho các trường hợp đặc biệt. Nhiều nhân viên y tế cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, không có nguồn thu nào bên ngoài nên số tiền này rất cần thiết đối với họ.
Theo văn bản mới nhất ngày 28/6/2022 mà UBND TP. Vinh gửi UBND tỉnh Nghệ An, sở tài chính Nghệ An thì tổng nhu cầu kinh phí phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 16 là hơn 29,4 tỉ đồng; trong đó ngân sách tỉnh đã bố trí 2,95 tỉ đồng, ngân sách thành phố đã bố trí hơn 8,44 tỉ đồng, số kinh phí còn thiếu là hơn 18,25 tỉ đồng.
Đại diện Phòng Tài chính UBND TP. Vinh, Nghệ An thừa nhận: Đối với khoản phụ cấp cho các nhân viên, địa phương mới chỉ chi trả được khoảng 1,4 tỷ đồng vào đầu năm 2021. Số tiền còn lại do kinh phí phòng, chống dịch quá lớn, trong khi đó ngân sách địa phương thì hạn hẹp nên chưa thể chi trả sớm cho các nhân viên y tế.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, như Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, Cửa Lò, Nam Đàn…, các lực lượng tham gia chống dịch cũng đang mòn mỏi chờ tiền phụ cấp. Ở huyện Kỳ Sơn, ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, chế độ chính sách của cán bộ y tế chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện mới chỉ chi trả được khoảng một nửa. Phần còn lại chưa được chi trả là do ngân sách của địa phương còn hạn hẹp.
Trước thực tế này, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thông tin: Việc chậm trễ chi trả phụ cấp chống dịch có trách nhiệm thuộc về các huyện, thành, thị.
Khoản phụ cấp công tác chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 16 chính là sự động viên, ghi nhận công lao mà Chính phủ dành tặng cho các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Nhưng để xảy ra câu chuyện chậm chi trả do thiếu hụt ngân sách, thì nên chăng các cấp có thẩm quyền cần ngồi lại với nhau để sớm có phương án giải quyết thỏa đáng.