Hàng năm vào dịp 2/2 âm lịch, đình - đền Đầm Mây lại tổ chức khai hội, cầu làng để xin phép thần linh cho xuống đồng cày cấy và cầu cúng cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người được bình an, khoẻ mạnh.
Theo các nghiên cứu khảo cổ, đền Đầm Mây được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và đình Đầm Mây được xây dựng vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX) và tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX. Đền Đầm Mây được nhân dân địa phương dựng lên để thờ phụng bà chúa Đầm Mây; đình Đầm Mây được dựng lên để thờ thành hoàng làng là ông Đặng Thanh Lợi, Lý Kỳ Nhân, Nguyễn Đình Bá, Nguyễn Đức Ông.
Lễ hội truyền thống Đình, Đền Đầm Mây không thể thiếu các trò chơi dân gian truyền thống như: bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, đi qua cầu khỉ và các hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách đến trải nghiệm. Các trò chơi dân gian giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội Đình, đền Đầm Mây đã và đang được cộng đồng duy trì và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Di tích, đình, đền Đầm Mây được xếp hạng là di tích cấp tỉnh về kiến trúc - nghệ thuật và khảo cổ tại quyết định số 25 ngày 28/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của địa phương. Công tác tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của Lễ hội truyền thống đình, đền Đầm Mây đã góp phần quan trọng trong việc phát huy giá trị di tích, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Lễ truyền thống đình - đền Đầm Mây xã Lang Quán xuân Giáp Thìn năm 2024 là dịp để tôn vinh di sản với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt; thể hiện sự quan tâm của địa phương xã Lang Quán và nhân dân các dân tộc trong xã đối với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Đình Đền Đầm Mây và Lễ hội truyền thống Đình, Đền Đầm Mây; đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Dưới đây là một số hình ảnh nổi bật của Lễ hội Đầm Mây