Theo thông tin mới nhất, khoảng hơn 9h45 ngày 6/4, thông tin từ lực lượng chức năng tại hiện trường vụ máy bay rơi cho biết, nạn nhân thứ tư vừa được tìm thấy trong xác máy bay. Hiện lực lượng tìm kiếm đang tìm cách đưa thi thể ra ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, có hơn 600 người đang tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng Biên phòng Quảng Ninh 46 người, Biên phòng Hải Phòng 15 người, Cảnh sát biển 18, Quân chủng Hải quân 38 (trong đó có 9 thợ lặn), Quân khu 3 cử 218 người, lực lượng khác 270 người.
Trước đó, tối 5/4, theo thông tin từ Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng: Máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam gồm: Ông Hồ Tá Lực (SN 1964), trú tại TP. Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Hội (SN 1963), trú tại TP. Đà Nẵng; bà Hồ Thị Oanh (SN 1962), trú tại TP. Đà Nẵng; bà Phạm Thị Bê (SN 1958), trú tại TP. Đà Nẵng thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16 giờ 56 phút, đã mất liên lạc lúc 17 giờ 15 phút.
Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn. Lúc 19 giờ 18 phút, lực lượng tại hiện trường báo cáo đã vớt được 2 thi thể cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay tại vị trí mép bờ, tọa độ 20051’51.2"N - 107001’13.4"E.
Trong đêm 5/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 221/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ đạo về việc tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 (số hiệu VN-8650) của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn, thực hiện các chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định.
Điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, bảo đảm kỹ thuật hàng không. Tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi công tác tìm kiếm cứu nạn. Kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của các bộ, địa phương theo thẩm quyền. Các đơn vị báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng cũng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng khẩn trương triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn. Thông báo cho tàu thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản ở khu vực máy bay bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hỗ trợ người và phương tiện, thiết bị trục vớt, cứu hộ và các trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đáp ứng nhanh nhất công tác tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Bộ Quốc phòng bảo đảm công tác an toàn bay và kỹ thuật hàng không.
Đồng thời, khoảng 21h30 tối 5/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tới hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay trực thăng.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Hòn Gai (Quảng Ninh) cũng đang triển khai phối hợp với các lực lượng chức năng khác để tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân trong vụ máy bay trực thăng rơi vùng biển giáp ranh giữa vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). Công tác tìm kiếm, cứu hộ diễn ra thông đêm.
Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam điều động tàu SAR 411 cơ động đến hiện trường phối hợp với các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng TP. Hải Phòng, Quảng Ninh điều 34 cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn.
14 phương tiện của các lực lượng cũng đã được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn. Các lực lượng tiếp theo đang cơ động ra hiện trường (1 tàu, 2 xuống và 2 đội thợ lặn của Quân chủng Hải quân)./.