Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 77.635.767 ca, trong đó có 1.707.497 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 54.490.138 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 21.438.132 ca và 106.148 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 21/12, thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 100 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch với 18.425.166 ca nhiễm, 326.312 ca tử vong và 151.559 ca mắc mới trong vòng 1 ngày qua. Đứng thứ hai trên thế giới là Ấn Độ với 10.075.422 ca nhiễm và 146.145 ca tử vong.
Tuy nhiên, với số ca nhiễm theo ngày hiện chỉ ở mức 30-40.000 ca/ngày, quốc gia Nam Á này được coi là đang khống chế tốt dịch COVID-19. Đứng thứ ba thế giới là Brazil với 7.263.619 ca nhiễm và 187.291 ca tử vong.
Tại châu Âu, sau khi Anh phát hiện một biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, đến nay ngoài những trường hợp phát hiện ở Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca, Italy 1 ca, Hà Lan 1 ca và Australia 2 ca mắc biến thể mới VUI-2020/12/01.
Trong bối cảnh biến thể thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt các nước châu Âu, châu Á đồng loạt tuyên bố đóng cửa biên giới và cấm bay đến và từ nước Vương quốc Anh.
Ngày 21/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã thông qua vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, mở đường cho Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn khối trong vài ngày tới.
Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27-29/12.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc EMA Emer Cooke nói: "Tôi vui mừng thông báo rằng ủy ban khoa học của EMA đã họp trong ngày hôm nay và đề nghị cấp phép có điều kiện tại EU đối với vaccine Pfizer/BioNTech. Quan điểm khoa học này sẽ mở đường cho giấy phép đầu tiên tại EU (đối với vaccine phòng COVID-19)".
Trong khi đó, tại châu Á, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh liên quan tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện các nước chưa có kế hoạch gấp rút hủy các chuyến bay đến và đi từ "đảo quốc sương mù".
Trong thông báo ngày 21/12, Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét các biện pháp phòng ngừa đối với các chuyến bay đến từ Anh và sẽ tiến hành xét nghiệm hai lần đối với hành khách nhập cảnh từ Anh trước khi họ hoàn thành cách ly. Hiện Hàn Quốc áp dụng quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ nước ngoài.
Ở Nhật Bản - vốn đã cấm hành khách đến từ Anh nhập cảnh, khẳng định sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các quốc gia khác cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi cách thức lây lan của virus biến thể này.
Tại Ấn Độ, truyền thông đưa tin một ủy ban chính phủ nước này phụ trách giám sát đại dịch COVID-19 đã nhóm họp trong ngày 21/12 để thảo luận về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Song chưa rõ khi nào Ấn Độ sẽ tạm dừng đình các chuyến bay đến từ Anh.
Hiện Anh là một trong số 23 quốc gia mà Ấn Độ ký thỏa thuận "bong bóng du lịch", cho phép hành khách giữa hai nước đi lại bằng đường hàng không mà không bị cách ly y tế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nỗ lực triển khai vaccine phòng COVID-19 đang được đẩy nhạn tại nhiều nước. Ngày 21/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã tiến hành đánh giá vaccine phòng COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, trước khi bắt đầu tiêm phòng trên toàn châu Âu trong vòng một tuần tới.
Nếu được EMA cấp phép, vaccine này còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua, dự kiến vào ngày 23/12. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27-29/12.
Theo đó, các sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu, dược sĩ và binh sĩ sẽ được huy động tham gia vào chương trình tiêm chủng quy mô chưa từng có này. Chương trình sẽ được thực hiện theo giai đoạn, trong đó các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão là nhóm đối tượng được ưu tiên đầu tiên.
Dự kiến nhanh nhất cũng phải đến cuối quý I/2021, chương trình này mới được triển khai rộng khắp đến cộng động.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine, EU đã chấp nhận mức giá 15,5 euro (18,9 USD) cho mỗi liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Theo một tài liệu nội bộ của EU, mức giá trên được đưa ra cho hợp đồng cung ứng 300 triệu liều vaccine và thấp hơn mức 19,5 USD/liều mà Mỹ đồng ý trả cho lô 100 triệu liều vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech.
Một thông tin khiến nhiều người lo ngại là Trung Quốc thông báo ghi nhận virus SARS-CoV-2 trên các mẫu bao bì nhập khẩu. Theo đó, giới chức y tế Trung Quốc thông báo các mẫu thu được trên bao bì của sản phẩm thịt bò đông lạnh nhập khẩu tại huyện Trung Mưu (Zhongmu), tỉnh Hà Nam (Henan), miền Trung Trung Quốc, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cơ quan phòng, chống dịch bệnh thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), thủ phủ tỉnh Hà Nam, cho biết lô thịt bò, có bao bì nhiễm virus SARS-CoV-2, được nhập khẩu từ Argentina và vận chuyển đến huyện Trung Mưu hôm 19/12. Cơ quan này cũng cho biết thêm một mẫu khác được lấy từ một container hàng cũng cho kết quả tương tự.
Hiện các sản phẩm này chưa được phân phối ra thị trường và đã được niêm phong. Các cơ sở lưu trữ, phương tiện liên quan và môi trường xung quanh đã được khử trùng. Nhà chức trách cũng đã bắt đầu điều tra dịch tễ học.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.829 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 32.000 người. Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 20.058 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì COVID-19 nhiều thứ 3 châu Á.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 21/12, nước này chỉ có 10 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.018 ca bệnh mới, 1 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 848 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Thái Lan sau chuỗi ngày “bình yên” giờ đây nguy cơ bùng phát thành ổ dịch mới khi các ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 32.072 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 238 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.411.314 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.215.340 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Timor Leste, Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/12.
Ngày 21/12, Singapore đã tiếp nhận những lô vaccine COVID-19 đầu tiên để chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng có thể bắt đầu trong 2 đến 3 tuần tới. Công ty logistics DHL tham gia vận chuyển những liều vaccine đầu tiên từ Bỉ tới Singapore đã xác nhận thông tin trên nhưng không cho biết số lượng hay tên vaccine cụ thể.
Tuần trước, Singapore cho biết đã cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép cho loại vaccine này. Chính phủ Singapore cho biết sẽ ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người già.
Tại Canada, chính quyền Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada – quyết định sẽ tiến hành phong tỏa trên toàn tỉnh từ 12h01 ngày 26/12, trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Việc phong tỏa trên toàn tỉnh sẽ kéo dài trong hai tuần, từ ngày 26/12/2020 đến ngày 9/1/2021. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực trong bốn tuần, tới ngày 23/1/2021 ở các khu vực phía Nam, trong đó có khu vực Toronto và Ottawa. Với lệnh phong tỏa này, người dân Ontario được khuyến cáo ở tại nhà nhiều nhất có thể.
Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp thiết yếu sẽ có giới hạn nghiêm ngặt về công suất hoạt động.
Trong giai đoạn phong tỏa, các trường học sẽ đóng cửa các lớp học trực tiếp. Các trường tiểu học trên toàn tỉnh và các trường trung học ở khu vực phía Bắc, sẽ áp dụng hình thức học online tới ngày 11/1/2021, trong khi các trường trung học ở khu vực phía Nam sẽ tiếp tục học online tới ngày 25/1.
Các cuộc tụ họp ở không gian trong nhà bị cấm với những người không phải là thành viên trong hộ gia đình. Người dân được phép tụ tập ở không gian ngoài trời với số lượng lên tới 10 người, nhưng phải duy trì giãn cách xã hội. Các siêu thị được phép hoạt động với 50% công suất. Ontario ngày 21/12 đã có thêm 2.316 ca nhiễm mới, ghi dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mốc 2.000.
Theo cbc.ca, tính đến 14h30 ngày 21/12 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Canada đã lên tới 512.404 ca, trong đó 14.282 người đã tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/12 cho rằng biến thể coronavirus mới được phát hiện ở Anh với tỉ lệ lây nhiễm cao hơn chưa phải đã vượt ngoài tầm kiểm soát và vẫn có thể được khống chế bằng các biện pháp hiện có.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói: “Chúng ta đã chứng kiến một tỉ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều ở các thời điểm khác nhau trong đại dịch này và chúng ta đã vẫn kiểm soát được. Bởi vậy có thể nói tình trạng hiện tại không phải đã vượt ngoài tầm kiểm soát.”
Ông Ryan cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hiện hành vẫn là những biện pháp đúng đắn để khống chế dịch bệnh nhưng cần thực hiện với tần suất dày đặc hơn và với thời gian lâu hơn để đạt hiệu quả kiểm soát biến thể virus mới.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết biến thể virus mới này có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn tới 70% so với dòng virus chính gây bệnh COVID-19. Gần 30 quốc gia đã đóng cửa biên giới với những người đi lại từ Anh hay Nam Phi - nơi cũng xuất hiện một biến thể khác của virus corona, để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan.