Mỗi làng đều mang tên gọi gắn liền với gốc tích, bản sắc, xuất xứ của mình, tên làng có đôi khi bắt nguồn từ tên gọi địa danh quen thuộc, nét đặc trưng vùng miền của từng địa phương cũng có thể là tên họ của người đứng ra khai hoang, thành lập làng, tiêu biểu như làng Ơi H’Ly, Sô Ama Biơng, Ama Lơng thuộc xã Chrôh Pơnan, Ama Rơng, Ama Hang thuộc xã Ia Peng, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đều gắn với cái tên của người trưởng làng, lập làng còn làng Pa thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa lại láy theo tên con sông Ba chảy qua, Bôn Rưng thuộc xã Ia R’Bol, thị xã Ayun Pa phản ảnh gốc tích của làng trước đây vốn là nơi rừng núi,… Thế nên việc xây dựng cổng làng không chỉ đơn thuần là để làng có một cái tên gọi, địa chỉ khách xa tìm đến mà quan trọng hơn là thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn, ghi nhớ của thế hệ sau với những bậc tiền nhân đã có công lập làng, dựng xã.
Không quan trọng xây dựng cổng làng to hay nhỏ, gỗ tạp hay khung sắt kiên cố, bề thế, cầu kỳ về hình dáng, kiến trúc hay chỉ đơn giản là cọc tre gắn bảng, khi dựng cổng làng điều cần lưu ý là dựng đúng vị trí thuận lợi cho việc xác định địa điểm, giới hạn giữa các làng, thêm nữa tên làng phải cụ thể rõ ràng để người quan sát dễ dàng thấy và không nhầm lẫn với những làng khác. Những lần tôi về các làng rõ ràng không thuộc diện vùng khó khăn, nằm ngay quốc lộ nhưng bảng tên làng đã quá cũ kỹ, chữ còn chữ mất như thách đố người đọc, có nơi cổng làng đã xiêu vẹo, ngã đổ vì mưa gió,… thế nhưng hiện trạng như vậy lại tồn tại trong thời gian dài mà không có cán bộ, dân làng nào chủ động đề xuất sửa chữa hay thay thế. Đó phải chăng xuất phát từ ý thức chung của mỗi người dân?
Thiết nghĩ, để mỗi dân làng ý thức hơn, thể hiện đúng với dòng chữ “Cán bộ và nhân dân làng… đoàn kết, quyết tâm xây dựng làng văn hóa” in trên mỗi bảng tên làng thì việc chú trọng quan tâm xây dựng và quản lý, bảo vệ cổng làng hiệu quả là điều cần làm trước tiên và cần thiết, đồng thời xem đó là sự quyết tâm chung để thực hiện tốt nếp sống văn hóa khu dân cư.
KSOR H'YUEN