Trước đó, từ ngày 11 - 15/3, Đoàn chuyên gia tư vấn UNESCO và các chuyên gia Việt Nam đã tiến hành khảo sát tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch tại các huyện trong Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và một số điểm thuộc huyện Cao Lộc và Tp. Lạng Sơn. Sau chuyến khảo sát, đoàn đã lựa chọn ra một số điểm giàu tiềm năng, triển vọng trên địa bàn các huyện, thành phố và đánh giá hiện trạng, mức độ đầu tư để xây dựng 4 tuyến tham quan. Trong đó, mỗi tuyến tham quan đều có các điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất và ít nhất 1 điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu…
Đoàn cũng nêu một số đề xuất cụ thể và giải pháp để phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn như: Xác định lại phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn theo hướng mở rộng sang địa bàn Tp. Lạng Sơn, một số xã thuộc huyện Cao Lộc và thu hẹp phạm vi huyện Bình Gia trong Vùng Công viên địa chất… Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề xuất một số điều kiện tối thiểu mà tỉnh cần hoàn thiện trong thời gian tới, như: Xây dựng trung tâm thông tin; xây dựng kế hoạch tổng thể Vùng Công viên địa chất gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phát biểu thảo luận làm rõ một số tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn các huyện trong Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và một số địa bàn thuộc huyện Cao Lộc, Tp. Lạng Sơn, đồng thời đề xuất đưa thêm một số địa điểm tiêu biểu bổ sung vào các tuyến tham quan dự kiến.
Các ý kiến đóng góp tại cuộc họp sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương về mở rộng phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn. Qua đó, giúp tỉnh Lạng Sơn có hướng đi phù hợp, đáp ứng được các điều kiện của UNESCO để Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành công viên địa chất toàn cầu.