Nhiều phần việc quan trọng được thực hiện
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Nghệ An có tổng nguồn vốn đầu tư phát triển (nguồn NSTW giao) từ năm 2022-2024 là hơn 1.923 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 1.148 tỷ đồng.
Nguồn vốn được giao để thực hiện ở cả 10/10 dự án của Chương trình nên tỉnh Nghệ An kỳ vọng Chương trình MTQG 1719, là động lực quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Thực tế đã cho thấy, từ nguồn vốn được đầu tư, đã có nhiều phần việc quan trọng được thực hiện. Minh chứng như kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt...tiếp tục được đầu tư xây dựng mới, hoặc nâng cấp, sửa chữa, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ...
Cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhiều tổ nhóm sản xuất được hình thành và hỗ trợ, góp phần tạo thêm việc làm mới.
Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, triển khai các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ trang thiết bị máy móc vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…, đã góp phần thay đổi phương thức phát triển sản xuất tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện nâng cao đời sống cho hộ dân tham gia dự án. Từ đó, giúp các hộ nghèo có sinh kế, có việc làm, từng bước thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân, như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2, Dự án 9), chính sách đối với Người có uy tín (Tiểu dự án 1, Dự án 10)… đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Điểm nhấn rõ nhất những năm qua, là tỷ lệ giảm hộ nghèo mỗi năm đều vượt mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, đến hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 và năm 2022 của vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm khoảng 3,63% và 3,74%.
Chỉ tính riêng năm 2024, tỉnh Nghệ An đang thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 86 hộ; hỗ trợ đất ở cho 725 hộ dân của 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 3.462 hộ và 7.030 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Đến nay, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng 295 danh mục dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt...); đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án trường học; đầu tư xây dựng 21 danh mục dự án về văn hóa; đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho 228 nhà văn hóa…
Ngoài ra, cũng đã có hàng ngàn lượt cán bộ, nhân viên, người dân ở vùng DTTS và miền núi được tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn về kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, năng lực quản lý…
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Chương trình MTQG 1719 không chỉ đem lại những tác động tích cực, rõ nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm, nhà ở, đất sản xuất...; và quan trọng nữa là đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức trong Nhân dân về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới và cộng đồng thôn bản ngày càng phát triển.
Tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách
Thực tế hiện nay, quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 đang gặp những “điểm nghẽn” nhất định. Tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp; tính đến thời điểm báo cáo (tháng 10/2024) mới đạt 20,5% tổng kế hoạch (vốn đầu tư đạt 43,7% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,4% kế hoạch). Có một số nội dung chưa thực hiện được.
Việc đề xuất lựa chọn, phê duyệt danh mục dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Hiện nay, đối tượng được hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719 chênh lệch quá lớn so với nhu cầu thực tế, do đang ngày càng bị thu hẹp dần theo từng năm.
Quá trình khảo sát, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi có nhiều nội dung quy định, không rõ đối tượng dự kiến thụ hưởng các chính sách dẫn đến có sự chênh lệch so với thực tế được giao. Chưa kể, lộ trình phân bổ vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước, dẫn đến tình trạng thừa vốn (nguồn sự nghiệp); một số nội dung nguồn vốn được cấp nhiều, nhưng không có hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng; một số nội dung có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ lại ít.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Nghệ An đã đề xuất nhiều nội dung, với mong muốn sớm được tháo gỡ để có cơ sở triển khai.
Theo đó, tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy trình, thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội cụ thể, chi tiết hơn để địa phương thực hiện thuận lợi, chính xác, đúng quy định.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2024 (bao gồm cả vốn 2022, 2023 kéo dài) để tiếp tục thực hiện năm 2025 theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội.
Về việc phân cấp, phân quyền, tỉnh Nghệ An đề nghị, cần thực hiện mạnh mẽ, cho các cấp chính quyền địa phương để tăng tính chủ động, trách nhiệm của địa phương trong việc xây dựng và quản lý Chương trình MTQG 1719, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mà tập trung vào một số vấn đề có tính cốt lõi như cơ sở hạ tầng, sinh kế bền vững của người dân...
Mặt khác, cần đảm bảo nguồn lực cho phát triển vùng đồng bào DTTS bằng cách huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng. Việc chỉ đạo, điều hành, cần có sự thống nhất ở các địa phương, nên chỉ đạo thành lập Văn phòng điều phối hoặc Tổ công tác cấp tỉnh trên toàn quốc về Chương trình MTQG 1719.