Được biết, năm 2018 là năm thứ 6 UBDT phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu. Xin Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết công tác chuẩn bị cho Lễ Tuyên dương năm 2018 đã được triển khai như thế nào?
Năm 2018 là năm thứ 6, UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu. Sự kiện nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam; biểu dương, khích lệ tinh thần học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên DTTS. Với ý nghĩa thiết thực, lớn lao đó, UBDT đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Lễ Tuyên dương và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2018.
Để Lễ Tuyên dương được triển khai bài bản, đúng tiêu chí đặt ra, UBDT đã xây dựng kế hoạch tổng thể, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018. Thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức có thêm các thành viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch chi tiết, thành lập các Tiểu ban: nội dung, hậu cần, khánh tiết. Các Tiểu ban đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể về xây dựng kịch bản, nội dung chương trình, tổ chức họp báo, kế hoạch tuyên truyền, chuẩn bị sân khấu, công tác hậu cần, đón tiếp đại biểu… Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đến nay, công tác chuẩn bị các hoạt động trong khuôn khổ Lễ Tuyên dương, như: Báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, Văn Miếu Quốc Tử Giám; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên; Chương trình GaLa Dinner... cơ bản hoàn thành, chu đáo. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ Tuyên dương mong muốn hướng đến là sự đổi mới, tạo hiệu ứng xã hội, sức lan tỏa ngày càng lớn của việc biểu dương, khen thưởng học sinh, sinh viên DTTS.
Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 có điểm gì nổi bật thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm?
Năm nay, số lượng học sinh, sinh viên được tuyên dương là 166 em thuộc 25 dân tộc (Mường, Nùng, Tày, Dao, Tà-ôi, Sán Chay, Sán Dìu, Chăm, Vân Kiều, Hoa, X,tiêng, Lào, Ba Na, Thái, Khmer, H’rê, Ê-đê, Giẻ-triêng, Mông, Cơ-ho, M’nông, Mạ, Pu Péo, Si La...) của 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, nữ có 102 em (chiếm 61,4%). Hầu hết các địa phương thuộc vùng DTTS đều có học sinh, sinh viên được tuyên dương. Những em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018, thực sự là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, nỗ lực cố gắng phấn đấu trong học tập và rèn luyện.
Lễ Tuyên dương năm nay có nhiều sự điều chỉnh, đổi mới. Trong khuôn khổ của Lễ Tuyên dương, có sự giao lưu giữa các thầy giáo, các em học sinh và các đồng chí Lãnh đạo, các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, các đối tượng được tuyên dương như các kỳ tuyên dương trước, gồm: Học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế; đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; đạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật; đạt giải thi đấu thể thao khu vực và quốc tế; trúng tuyển vào các trường học viện, đại học, cao đẳng với số điểm 28 điểm trở lên; học sinh dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) tốt nghiệp THPT...
Năm 2018 là năm đầu tiên Ban Tổ chức mở rộng đối tượng được tuyên dương, là các em sinh viên DTTS tốt nghiệp học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc... Địa điểm tổ chức Lễ Tuyên dương cũng có đổi mới. Đó là tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội thay vì Học viện Thanh Thiếu niên như những năm trước. Sự thay đổi này nhằm tạo cho các em sự mới lạ hơn, giúp các em được đến địa điểm nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Một điểm mới nữa là Lễ Tuyên dương năm nay được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm, nên sẽ tạo hiệu ứng xã hội, sức lan tỏa tốt hơn.
Kết quả học tập của các em học sinh DTTS đã cho thấy chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Xin Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết giải pháp của UBDT, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới?
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, giáo dục vùng DTTS, miền núi đã có bước phát triển rất lớn. Tuy vậy, vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn ở các địa phương. Còn đó tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, phòng học tạm, chất lượng giáo dục còn nhiều khoảng cách… Nhiều địa phương vùng DTTS, miền núi tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, nên mặc dù đã được ưu tiên, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi… Làm sao để giáo dục vùng DTTS, miền núi phát triển bền vững; làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều chúng tôi luôn băn khoăn, trăn trở nhất.
Đội ngũ học sinh DTTS là nguồn nhân lực quan trọng đối với sự phát triển của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và sự phát triển chung của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, muốn phát triển phải đi lên bằng trí tuệ đòi hỏi mỗi học sinh phải không ngừng nỗ lực. Các em học sinh phải học tập thật tốt để đem kiến thức, tài năng về phục vụ quê hương.
Đã nhiều năm trôi qua, từ sáng kiến đề xuất việc thi đua, khen thưởng đến phong trào người tốt việc tốt của Bác Hồ đã góp phần rất lớn vào phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức mạnh vô song trong công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Thời gian tới, việc biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những tấm gương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc sẽ tiếp tục được UBDT quan tâm, để khích lệ thế hệ thanh niên DTTS phát huy nội lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS. UBDT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng, ban hành các cơ chế ưu tiên, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục ở vùng DTTS, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục. Phát triển giáo dục dân tộc rất cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ban ngành có liên quan. Đặc biệt là vai trò to lớn của ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong việc tham mưu, phối hợp, thực hiện có hiệu quả những chính sách giáo dục dân tộc, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, PCN!
THANH HUYỀN