Tham dự Đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh…
Tại thành phố Hạ Long, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn đã kiểm tra khu vực bỏ phiếu số 1 (khu 1A, 2A, 2B), phường Hồng Hải. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp kiểm tra bảng niêm yết danh sách 2.197 cử tri, nơi để hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, hòm phiếu bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, HĐND thành phố, hòm phiếu HĐND phường; bảng các mốc thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Trao đổi với thành viên Tổ bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của phường khi đính trên Bảng niêm yết danh sách cử tri Sổ góp ý và theo dõi biến động của cử tri (trong sổ góp ý, một số cử tri ghi rõ những đề nghị như: sửa lại họ; thông báo đang ốm đề nghị được bỏ phiếu tại nhà…).
Trò chuyện với cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của cử tri trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thực sự xứng đáng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu; chất lượng của đại biểu phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn cử tri sẽ nghiên cứu, xem xét thật kỹ càng về từng ứng cử viên, danh sách người ứng cử trên phiếu bầu cử được xếp theo thứ tự ABC, không phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Từ đó, cử tri cần sáng suốt lựa chọn đại biểu đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp, vì quyền quyết định là của cử tri.
Trao đổi với Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nguyệt (76 tuổi, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc khu phố 4C, phường Hồng Hải) bày tỏ phấn khởi về kết quả Kỳ họp thứ 11 khóa XIV, kỳ vọng và bày tỏ tin tưởng cuộc bầu cử tới sẽ chọn được những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực sự tiêu biểu, xứng đáng.
Niêm yết danh sách cử tri
Sau khi trực tiếp kiểm tra khu vực bỏ phiếu tại phường Hồng Hải, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh. Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới các Ủy ban bầu cử cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo, Quảng Ninh có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 21 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 125 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.204 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh đã thành lập 1.353 Ban Bầu cử, trong đó 3 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, 21 Ban Bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 125 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.204 Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp xã đảm bảo số lượng, thành phần và sớm hơn so với thời gian luật định.
Đến hết ngày 10/4/2021 (sớm hơn 3 ngày), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hoàn thành tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.
Về tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, đối với cấp tỉnh, Quảng Ninh tổ chức vào ngày 16/4/2021; đối với cấp huyện, cấp xã hoàn thành xong trước ngày 18/4/2021 theo quy định.
Đến nay, tất cả danh sách cử tri đều được niêm yết công khai tại trụ sở 177 xã, phường, thị trấn và 1.438 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh đảm bảo thuận tiện cho cử tri quan sát, theo dõi. Đồng thời, tỉnh vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức phù hợp trên nền tảng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh mà pháp luật không cấm để truyền tải kịp thời, chính xác, nhanh chóng thông tin về danh sách cử tri tới cử tri.
Đại biểu Quốc hội, HĐND quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND
Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Quảng Ninh đã sớm ban hành kế hoạch, cùng nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh một cách nghiêm túc, chu đáo, bài bản, khoa học, tổng thể, đầy đủ và có những sáng tạo. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành kế hoạch chia thành 3 bước; kết thúc mỗi bước tổ chức sơ kết, kiểm đếm, đánh giá lại những công việc đã thực hiện, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai bước tiếp theo. Với cách làm này, Ủy ban Bầu cử các cấp đã bám sát tiến độ từng nội dung công việc để chủ động triển khai.
Tỉnh đã linh hoạt trong tập huấn về công tác bầu cử, nhất là ở cấp cơ sở đối với tổ bầu cử, ban công tác Mặt trận nhằm giúp đội ngũ cán bộ cơ sở nắm chắc các quy định của pháp luật để thực hiện đúng các bước, quy định, thủ tục của công tác bầu cử, tạo sự đồng thuận của người dân…
Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các phương án nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống; nhất là tỉnh quyết tâm bằng mọi biện pháp có thể tổ chức bầu cử đồng thời, không nhất thiết bầu cử sớm mặc dù là địa phương có nhiều địa bàn biên giới, hải đảo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua theo dõi tuyên truyền cổ động trực quan từ Hải Phòng về Quảng Ninh, cũng như tiếp xúc trực tiếp với thành viên tổ bầu cử, dân cư phường Hồng Hải, bà con thể hiện sự phấn khởi, bày tỏ tin tưởng vào thành công của cuộc bầu cử sắp tới, từ đó góp phần để Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả của các nhiệm kỳ trước.
Mặc dù có khó khăn về địa giới hành chính nhưng Quảng Ninh có những thuận lợi căn bản, đó là có nhiệm kỳ vừa qua rất thành công, kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn ngày càng khang trang theo hướng hiện đại, thu nhập của người dân tăng lên. Sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị tăng cao. Đại hội XIII của Đảng thành công, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại thành công. Đó là những điều kiện để Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ( ngày 23/5 sắp tới) thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh quán triệt trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới; coi đợt bầu cử lần này là một nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng trong quý II/2021 này. Cùng với đó tỉnh kiểm soát tốt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội. Là đơn vị đi đầu với mức tăng trưởng cao, thu ngân sách lớn, Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy những thuận lợi này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, đại biểu HĐND là trung tâm của HĐND, quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội, của HĐND trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm, do vậy cần làm tốt nhất để cử tri phát huy quyền làm chủ và lựa chọn được đại biểu xứng đáng nhất. Bởi muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội phải có những đại biểu Quốc hội chất lượng, vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Muốn nâng cao năng lực giám sát, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền phải tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Khâu này làm tốt hơn nữa sẽ tốt cho cả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu dài hơi hơn là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030, kỷ niệm 100 thành lập Nước vào năm 2045.
Về mục tiêu, yêu cầu của cuộc bầu cử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc bầu cử phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, phát huy cao độ nhất quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống để người dân thực hiện quyền công dân của mình. Tỉnh cần bảo đảm an toàn về dữ liệu, an toàn về kết quả, thực hiện bầu cử tiết kiệm.
Đối với những việc cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh tiếp tục rà soát và cập nhật danh sách cử tri khi đây là địa bàn có tỷ lệ xã biên giới, hải đảo rất lớn, nhiều người đi làm việc xa… , theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp đã quy định. Tỉnh không được chủ quan, cần làm cho kỹ, cho chắc dựa trên cơ sở pháp lý.
Trước mắt, Ủy ban bầu cử và Mặt trận Tổ quốc tăng cường phối hợp để tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Bởi đây là yếu tố quyết định đến kết quả bầu cử và chất lượng đại biểu. Quảng Ninh phải xác định giai đoạn này là nước rút, quan trọng nhất, có tính quyết định nhất.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh rà soát lại các điểm tổ chức bầu cử, bảo đảm trang hoàng, đẹp và thuận lợi cho cử tri đi bầu cử. Ví dụ như kê thêm nhiều bàn để cử tri có thể viết phiếu bầu; đảm bảo quyền riêng tư khi cử tri lựa chọn đại biểu trên phiếu bầu hoặc sắp xếp lối đi, tổ chức lưu thông, trình tự trong khu vực bỏ phiếu cho khoa học, tránh lộn xộn. Quảng Ninh làm tốt công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là khi đã niêm yết danh sách ứng cử viên. Một số khu vực có cán bộ tổ chức bầu cử chưa có nhiều kinh nghiệm cũng cần dự báo để có thể tăng cường tập trung chỉ đạo.
Tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông và phải đi vào thực chất và cụ thể hơn để những thông tin về bầu cử đến được với từng cử tri; những thông tin trong quá trình vận động bầu cử để cử tri nắm được thông tin về các ứng cử viên để giúp cử tri có lựa chọn chính xác.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội đồng Bầu cử Quốc gia có văn bản gửi xuống các tỉnh về kịch bản tổ chức bầu cử trong từng cấp độ trong phòng, chống dịch COVID-19 và đã có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, tỉnh cần phương án xử lý khi vào tháng Năm có thể có thiên tai, bão lũ…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Quảng Ninh không có bầu cử sớm nên những phương án dự phòng cần phải thông suốt trong quá trình thông tin liên lạc, tổng hợp kết quả bầu cử, kiểm đếm phiếu, công bố và chuyển tải thông tin dữ liệu về Hội đồng bầu cử quốc gia…
Về tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quảng Ninh cần quy định sớm thời gian bắt đầu vào lúc nào, không nên để sát quá dễ dẫn đến bị động; cố gắng tạo điều kiện để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri nhiều nhất có thể; bảo đảm tính công bằng trong vận động bầu cử bởi điều gì được làm, không được làm đã được luật quy định rất rõ; nếu có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm, dù là ai cũng phải bình đẳng như nhau.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh cần hết sức quan tâm về trách nhiệm giám sát của thành viên trong Ủy ban Bầu cử các cấp, của thành viên Tổ bầu cử trong ngày bầu cử 23/5.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bày tỏ tin tưởng Quảng Ninh sẽ tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với các chỉ tiêu cử tri đi bầu cao nhất, an toàn tuyệt đối, đồng thuận cao, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng nhất./.