Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đại diện Ban Liên lạc Học sinh miền nam Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số địa phương cùng các thầy giáo, cô giáo đại diện cho hàng nghìn thầy cô đã trực tiếp giảng dạy tại các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và các học sinh miền Nam từng học tập tại các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bày tỏ xúc động khi gặp lại các thầy cô, những cán bộ, các anh chị và bạn bè đã một thời quây quần, gắn bó bên nhau dưới mái trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, các thế hệ học sinh miền Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chia sẻ về mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Trường học sinh miền Nam là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục và đào tạo cách mạng nước ta và cũng là một trong những tinh hoa quý báu của nền giáo dục nước nhà. Thành công của mô hình Trường học sinh miền Nam cho chúng ta nhiều bài học về giáo dục, chăm lo, chuẩn bị nguồn lực con người, về đào tạo thế hệ cho mai sau, về việc thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, từ tình thương yêu của người thầy, cô xây dựng nên tình thầy trò - nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt.
Tháng 5/1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu, nơi rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này đã trưởng thành. Từ thành công của mô hình giáo dục đào tạo này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, cho cả nước. Để nuôi dạy học sinh miền Nam, Đảng và Chính phủ đã cho lập các trường học sinh miền Nam.
Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi, dân tộc, vùng miền. Đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương. Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, phải tập trung dồn toàn bộ nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thì những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền bắc thời đó đều ưu tiên dành cho học sinh miền Nam.
Nhiều thế hệ học sinh miền Nam vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân. Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của học sinh miền Nam tuyệt đối trung thành, xả thân, ân nghĩa, tài hoa.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ học sinh miền Nam đi trước, học sinh miền Nam lớp sau đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, được Đảng tin yêu, được nhân dân tín nhiệm. Nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hàng chục đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ cương vị chủ chốt của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, nhiều đồng chí là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Đặc biệt, ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, nhiều "hạt giống đỏ" đã khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước.
Chủ tịch nước khẳng định các thế hệ học sinh miền Nam tự hào là lớp người đã góp phần thực hiện xuất sắc, nghiêm túc Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ; từ tuổi thơ cho đến ngày nay, dù ở bất cứ cương vị nào, dù ở nơi đâu cũng luôn dành trọn niềm tin với Đảng, với Tổ quốc, ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ và khắc sâu trong lòng những tình cảm ân tình, sự hy sinh, nhường cơm sẻ áo của nhân dân miền Bắc. Những thành tựu, bài học từ mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch, tạo không gian xây dựng “Tượng đài Chuyến tàu Tập kết” và ”Bảo tàng Tập kết” tại Sầm Sơn để lưu lại những hình ảnh, hiện vật, tư liệu thể hiện tình cảm Bắc-Nam ruột thịt của nhân dân hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chủ tịch nước đề nghị các Ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc cùng toàn thể các cựu học sinh miền Nam và gia đình tích cực hưởng ứng, tổ chức thu thập rộng rãi các tư liệu, hiện vật để trưng bày trong Bảo tàng tập kết và tự nguyện đóng góp nguồn lực để cùng xây dựng công trình "Tượng đài chuyến tàu tập kết".
Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương và các Ban Liên lạc học sinh miền Nam tiếp tục chung tay thực hiện những nghĩa cử cao đẹp để thể hiện sự tri ân đối với các trường, các thầy cô và gia đình thầy cô, các địa phương có học sinh miền Nam từng học tập, sinh sống; tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa và phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào là học sinh miền Nam trên đất Bắc để các thế hệ con cháu mai sau phấn đấu noi theo hướng tới Kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2024).