Đây là những tấm gương điển hình tiêu biểu toàn quốc về tinh thần vượt khó, vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng, rèn luyện trong những năm học vừa qua.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước biểu dương, khen ngợi 70 học sinh dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó, vươn lên trong học tập và rèn luyện, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Trong số các học sinh này có nhiều cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, là những tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ thực tế, dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng trong số 26 triệu trẻ em Việt Nam hiện vẫn còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, khuyết tật, lao động sớm, không nơi nương tựa… và hơn 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt rất cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Theo Chủ tịch nước, để tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời cần kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt.
Chủ tịch nước đưa ra yêu cầu: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác này; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phê phán, lên án và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động phạm pháp. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần ưu tiên dành tỷ lệ, nội dung thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp với trẻ em.
Phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm của gia đình và sự tham gia của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Quan tâm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em, bảo đảm điều kiện, thời gian thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời cảm ơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã có những đóng góp quý báu cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; biểu dương Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể lãnh đạo, cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với phương châm “tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia” đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ LĐTB&XH, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; quan tâm củng cố hệ thống quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để quỹ thực sự là cầu nối các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
THEO TTXVN