Với vai trò điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên tiếng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải không cần nghiên cứu thêm, cứ lấy lại tên cũ là được.
Với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, có lẽ câu chuyện nóng suốt thời gian qua xung quanh thuật ngữ “thu giá”, “thu phí” sẽ được kết lại.
Tuy nhiên, việc tranh luận về thuật ngữ có thể kết lại, nhưng dù “phí” hay là “giá” thì chốt hạ là… vẫn thu!
Lâu nay, câu chuyện không đi đường nhưng vẫn phải đóng phí đã được nói đến rất nhiều. Từ năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập.
Từ đó đến nay bình quân mỗi năm thu từ trong dân (tính theo đầu phương tiện) trên dưới 6 nghìn tỷ đồng; ngoài ra ngân sách Trung ương cũng bổ sung thêm cho quỹ này hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Đúng theo tên gọi, nguồn kinh phí này được sử dụng để bảo trì toàn bộ hệ thống đường bộ Việt Nam, với tổng chiều dài gần 280 nghìn km; bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, liên thôn.
Ấy vậy, người dân vẫn phải đóng thêm phí BOT. Có những đoạn đường vài chục mét, muốn qua trạm cũng phải đóng phí, có những đoạn đường không hề đi những vẫn cứ mất tiền.
Có người cãi, phí bảo trì đường bộ và phí BOT hoàn toàn khác nhau. Thu phí BOT phục vụ hoàn vốn đầu tư và bảo trì 2.000km đường BOT; còn thu phí bảo trì đường bộ là để bảo trì cho gần 178 nghìn km đường còn lại.
Thì dẫn chứng đây: ô tô chạy tuyến cố định Hà Nội-Hải Phòng qua Quốc lộ 5 cũ, ngoài đóng phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện còn phải đóng phí BOT. Rồi các tuyến đường Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn…, mấy trạm BOT chồng lên nhau. Chỉ trong 100km phải trả phí BOT mấy lần và đương nhiên vẫn phải trả phí đường bộ theo đầu phương tiện hằng năm (không đóng thì xe khỏi chạy ra đường).
Rõ ràng là “phí chồng phí” còn gì.
Như vậy, sau những tranh luận sôi sục về “phí-giá”, vấn đề cần quan tâm nhất là giải quyết mâu thuẫn “phí chồng phí” vẫn không được giải quyết. Rõ ràng, cái cần được “chốt hạ” nhất thì vẫn cứ treo lơ lửng.
SỸ HÀO