Trường Lũy Bình Định đi qua xã An Hưng, thị trấn An Lão, đến xã An Tân, An Quang huyện An LãoTheo đó, cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ khai quật khảo cổ tại 3 địa điểm của di tích Trường Lũy Bình Định, thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định trong thời gian từ ngày 23/5 đến ngày 30/6/2025.
Trước đó, tháng 9/2024, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đồng ý chủ trương giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn và UBND huyện An Lão và các đơn vị, cá nhân có liên quan khảo sát, xây dựng hồ sơ lý lịch trích ngang di tích Trường Lũy Bình Định trình Bộ VHTT&DL xin chủ trương xếp hạng di tích quốc gia theo quy định.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đoạn Trường Lũy Bình Định chạy qua huyện An Lão và thị xã Hoài Nhơn với hơn 14km, là một mắt xích quan trọng trong toàn tuyến hệ thống Trường Lũy từ Quảng Ngãi đến Bình Định, với tổng chiều dài 127km.
Trường Lũy được xây dựng bằng vật liệu khai thác tại chỗ như đất đồi, đất ruộng, đá tự nhiên với nhiều kỹ thuật đắp, đầm đất, xây, xếp đá... rất đặc trưng của cư dân miền đồng bằng ven chân núi và miền núi. Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là thành lũy dài nhất Đông Nam Á và dài thứ hai châu Á, chỉ sau Vạn Lý Trường Thành - Trung Quốc.
Diện tích được cho phép khai quật có tổng cộng 200m2, bao gồm: Địa điểm đồn H4 (thôn 4, xã An Hưng, huyện An Lão) có diện tích 68m2, gồm 2 hố với diện tích lần lượt là 32m2 và 36m2. Địa điểm đồn Dông Hầm (thôn 5, xã An Hưng, huyện An Lão) với diện tích 96m2, gồm 4 hố có diện tích lần lượt là 25m2, 25m2, 30m2 và 16m2. Địa điểm đồn An Quang (thôn 2, xã An Quang, huyện An Lão) với diện tích 36m2, gồm 3 hố với diện tích lần lượt là 4m2, 16m2 và 16m2.
Trước đó, tỉnh Bình Định cho chủ trương lập hồ sơ khoa học xếp hạng Di tích quốc gia Trường LũyTrong Quyết định cũng nêu rõ, trong thời gian khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Định có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ VHTT&DL. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, các cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Đoạn Trường Lũy tỉnh Quảng Ngãi đã được xếp Di tích cấp quốc gia năm 2011, bởi vậy đoạn Trường Lũy tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cần khảo sát kỹ, đo đạc xác định rõ ranh giới. Sau khi hoàn thành thủ tục, lập hồ sơ trình cho cấp thẩm quyền của tỉnh để xin Bộ VHTT&DL công nhận Trường Lũy Bình Định là Di tích quốc gia.