Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy, tính đến sáng 23/7, đã có 175.701.499 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 13.510.978 ca bệnh đang điều trị, có 13.428.667 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 82.311 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 59.834.777 ca. Trong đó, 859.598 ca đã tử vong do COVID-19 và 56.361.623 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 31.291.704; 5.563.903 và 3.623.840 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 419.502; 50.761 và 88.063 ca.
Với 50.392.566 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 23/7, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.123.847 ca tử vong và 46.364.982 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 143.708 ca nhiễm và 1.057 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Pháp và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 6.054.711; 5.933.510 và 5.602.321 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Nga hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 151.501 ca, sau khi có thêm 796 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Anh (128.980 ca) và Italy (127.920 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 90.723 ca nhiễm COVID-19 và 947 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 41.745.970 và 932.154 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 35.213.131 ca nhiễm và 626.172 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.693.495 và 1.425.097 ca nhiễm, cùng 237.207 và 26.526 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 80.396 ca nhiễm và 2.311 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 34.875.263 ca và 1.071.684 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 49.603 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 19.524.092 vào thời điểm hiện tại, và 1.444 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 547.134 ca.
Tính đến sáng 23/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 6.419.767 ca, trong đó có 161.887 ca tử vong và 5.604.846 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.342.330 ca nhiễm và 68.625 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 11.215 ca nhiễm và 183 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 567.758 và 555.997 ca nhiễm bệnh cùng 9.517 và 17.913 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 94.045 ca nhiễm (tăng 1.178 ca) và 1.447 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 16 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 157 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 32.426 ca, trong đó 915 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Delta, các quốc gia trên thế giới đang không ngừng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.
Bộ Y tế Chile thông báo có 13.062.630 người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có 11.908.045 người, tương đương 78,34% người dân trong diện tiêm chủng của nước này, đã hoàn thành tiêm chủng. Trong tuần này, Chile sẽ triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên 14 tuổi.
Tại Argentina, hơn 50% trong số 45,3 triệu dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và số người đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng là 5.797.847 người. Tỉnh Buenos Aires, địa phương đông dân nhất quốc gia Nam Mỹ này, đã tiêm chủng cho 50,28% người dân, còn tại thủ đô Buenos Aires, 60,38% người dân đã tiêm vaccine.
Trong khi đó, một số nước và vùng lãnh thổ đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch. Chính phủ Italy tuyên bố người dân sẽ cần chứng chỉ xanh COVID-19 để tiếp cận một loạt các dịch vụ và hoạt động giải trí. Đây là biện pháp mới nhất của Italy nhằm tìm cách ngăn chặn sự gia tăng của các trường hợp mắc COVID-19. Chứng chỉ xanh COVID-19 là bằng chứng bằng giấy hoặc kỹ thuật số về khả năng miễn dịch, cho biết người sở hữu đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đã có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mới khỏi COVID-19.
Tại Israel, Ủy ban Bộ trưởng thuộc Chính phủ Israel đã đưa ra đề xuất tái áp dụng chương trình Thẻ Xanh nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là do biến thể Delta. Ủy ban đề nghị chỉ có những người đã tiêm vaccine, bình phục sau lây nhiễm hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được có mặt tại các sự kiện có trên 100 người tham gia, dù được tổ chức ở trong nhà hay ngoài trời. Bên cạnh đó, người dân cũng cần xuất trình Thẻ Xanh nếu muốn vào tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, tới phòng tập thể dục, nhà hàng, hội nghị, điểm du lịch và cơ sở tín ngưỡng./.