Khác xa với những tưởng tượng ban đầu về một “cô bé mọt sách”, khi biết Bùi Lưu Bảo Khánh vừa nhận giải Nhất hội thi Lớn lên cùng sách lần thứ 8/2023, chúng tôi khá bất ngờ về sự hoạt bát, năng động và thân thiện của em. Ở Khánh nổi bật lên sự tự tin, bản lĩnh, tri thức; tuy nhiên cũng không kém phần hiện đại, cập nhật xu hướng của giới trẻ ngày nay. Và từ đó chúng tôi cũng có thể hiểu hơn vì sao em được chọn là Đại sứ văn hóa đọc nhỏ tuổi nhất, bởi câu chuyện về em chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đồng trang lứa.
Tuổi thơ với những câu chuyện cổ, chuyện ngụ ngôn cùng lời dạy của cha được trích từ những quyển sách hay, đã sớm hình thành trong lòng Bùi Lưu Bảo Khánh một niềm đam mê bất tận, với việc khám phá kho tàng tri thức thông qua những trang sách. Bên cạnh kiến thức được học từ nhà trường, từ thầy cô, sách giáo khoa, quyển sách "gối đầu” của Khánh kể từ khi biết đọc, chính là 2 kiệt tác văn học thế giới đã được cha mẹ mua tặng mà em luôn trân quý: “Không gia đình” của Hecto Malot và “Thời thơ ấu” của Maksim Gorky.
Khởi nguồn từ các danh tác văn học, rồi đến với các sách về lịch sử, văn hóa, khoa học, đạo hiếu, học làm người… mỗi ngày Khánh đều dành cho bản thân ít nhất là 1 giờ đồng hồ để đọc: “Em tự hình thành cho bản thân thói quen tiếp thu, học hỏi kiến thức mọi lúc, mọi nơi qua việc lắng nghe, quan sát thế giới xung quanh. Khi không có thời gian đọc, em cũng tận dụng sách nói hoặc nghe podcast", Bảo Khánh cho hay.
Chị Lưu Nguyệt Thanh, mẹ của Khánh chia sẻ, từ năm lớp 3 Khánh đã có ý thức về việc đọc sách, hay xin ba mẹ chở đi nhà sách thay vì mua những món đồ chơi khác. Cứ mỗi khi hoàn thành kỳ thi, hoặc có thành tích tốt, Khánh đều được mẹ cho đi nhà sách để tìm mua sách hay, những lúc đó em thường ngồi lại nhiều giờ để đọc những quyển sách mới.
Do có định hướng tương lai sẽ theo ngành văn học, nên Bảo Khánh đặc biệt say mê với các tác phẩm văn chương, tùy bút, tản văn. Khánh cũng rất yêu thích thơ, nhất là thơ của Xuân Diệu và Chế Lan Viên.
Ngoài ra, để nâng cao kiến thức xã hội và cảm nhận cuộc sống muôn màu, em còn đọc thêm nhiều thể loại sách về nghệ thuật sống, kỹ năng sống. Khánh cho biết, em rất yêu thích quyển “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, bởi qua tác phẩm này em học được thêm nhiều kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, cách thu phục lòng người.
Bên cạnh các thể loại sách trên, Khánh cũng yêu thích truyện tranh như bao người bạn cùng độ tuổi. Em cũng say mê với những bộ truyện tranh nổi tiếng như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan… và đặc biệt là những thể loại truyện tranh mang đề tài lịch sử của Việt Nam.
Một điều nữa rất đáng khâm phục ở Khánh, đó là tính tự lập và nghị lực bản thân. Mẹ của Khánh cho biết thêm, cha của Khánh mất vào tháng 7/2022 vì bệnh, những tưởng em sẽ suy sụp vì trước giờ việc học, việc đọc sách của Khánh đều do cha hướng dẫn. Nhưng em đã vượt qua được nỗi đau, ý thức tự học tập rất tốt. Mỗi lần nhớ cha, Khánh đều mang sách ra đọc và tự nhủ với bản thân phải thật nỗ lực để luôn xứng đáng với tình yêu và niềm tin của cha đã dành cho mình.
Không chỉ là học sinh giỏi của lớp, mà Khánh còn là học sinh tiêu biểu của trường với thành tích điểm trung bình luôn ở mức cao, thầy Phan Nguyễn Sĩ Phú, giáo viên Chủ nhiệm lớp 8/10 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Ngoài việc học tốt, Khánh còn tham gia tích cực các phong trào, hoạt động ở trường. Em có nhiều năng khiếu nghệ thuật, từng làm MC của trường, hay đọc những bài phát biểu và chia sẻ về việc đọc sách tốt như thế nào. Khánh là tấm gương có thể lan tỏa đến các bạn học những điều hay".
Chia sẻ với mọi người về việc đọc sách quan trọng thế nào đối với giới trẻ, Khánh bày tỏ: "Hiện nhiều bạn trẻ mải mê chạy theo công nghệ, lãng quên đọc sách. Văn hóa đọc rất cần thiết, các bạn đều có hoài bão, ước mơ. Muốn thực hiện được điều đó, bạn cần đọc sách.
Tuy nhiên, đọc sách thế nào để hiệu quả, để có ích, không phải ai cũng biết cách áp dụng, và Khánh cũng không quên chia sẻ quan điểm của bản thân mình với mong muốn những giá trị tốt đẹp sẽ được lan tỏa từ em - cô Đại sứ văn hóa đọc nhỏ tuổi nhất Bùi Lưu Bảo Khánh: “Đọc sách là một phương pháp để tiếp thu kiến thức và điều đó sẽ không chỉ tồn tại ở việc chúng ta đọc trên những trang giấy mà ở đó tồn tại qua việc chúng ta biết lắng nghe, biết thấu hiểu và biết trải nghiệm”.