Đào, mận hiện đang được xem là cây trồng chủ lực về kinh tế để thoát nghèo của nhiều hộ đồng bào MôngThứ quả giúp dân thoát nghèo
Khi ánh nắng đầu ngày vừa dịu qua dãy núi, sương mù còn vương trên triền đá dựng đứng, chị Gia Thị Nính (40 tuổi), người Mông ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã đeo gùi trèo dốc, men theo con đường đất đỏ uốn quanh sườn núi vào vườn đào của gia đình để thu hoạch quả.
Đào chính vụ (khoảng từ cuối tháng Tư và tháng Năm) quả nào quả đó căng tròn, hồng ửng như má người thiếu nữ Mông độ xuân thì. Với từng trái đào, chị Nính nhẹ nhàng hái xuống bỏ vào gùi. Công việc này chị đã làm cả tháng trời nay, bởi đây là thời điểm mùa thu hoạch đào ở Mường Lát đang vào độ rộ nhất.
"Ngày xưa đào mọc dại, quả chín rụng cũng chẳng ai ngó tới. Từ khi thương lái từ vùng xuôi bắt đầu đến tìm mua, người Mông mới biết: cây đào cũng có thể nuôi được cái bụng no, mua được cái áo lành và quan tâm hơn tới việc chăm chút những cây đào", chị Nính kể, mắt ánh lên vẻ tự hào.
Gia đình chị từng sống nhờ rẫy sắn, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi chuyển sang trồng đào – loại cây vốn có sức sống bền bỉ với khí hậu khắc nghiệt và không cần đến phân bón hóa học thì cuộc sống của gia đình chị cũng như nhiều hộ dân ở đây đã dần đổi thay. Sáng nào chị cũng hái được khoảng 20kg, bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, mang lại thu nhập gần nửa triệu đồng mỗi buổi.
“Trước kia, nhà tôi chỉ trồng sắn, quanh năm lo cái ăn. Nhưng từ khi trồng đào, có tiền rồi, con cái được đi học, cái ăn cái mặc cũng đỡ vất vả hơn. Mỗi buổi sáng tôi hái khoảng 20kg đào, bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, cũng kiếm được 500.000 đồng mỗi ngày”, chị Nính chia sẻ khi đôi tay thoăn thoắt ngắt từng quả đào chín mọng còn phủ lớp phấn trắng mịn.
Sáng nào chị Gia Thị Nính cũng hái được khoảng 20kg, bán với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kgGia đình chị hiện có khoảng 2.000 gốc đào, được trồng từ năm 2011. Dự kiến vụ thu hoạch năm nay sẽ đạt 7 tạ quả, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng. Ngoài việc bán cho thương lái, chị còn bày bán dọc quốc lộ 15C – con đường huyết mạch nối vùng biên giới Mường Lát với đồng bằng Thanh Hóa.
Anh Thao Lâu Pó – chồng chị Nính phụ chị thu hoạch đào vui vẻ cho biết: Khu vườn 2ha của gia đình, ngoài đào còn có mận cơm, vải thiều, cam Vinh, bưởi... Cứ thế, sau mùa đào là đến mùa mận, mùa vải. Năm nay, gia đình anh Pó và chị Nính là một trong 19 hộ thoát nghèo của xã.
“Ngày xưa trồng sắn, làm cả năm cũng chỉ mong đủ gạo ăn. Giờ mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng từ vườn cây, mình thấy ở trên núi cũng có thể sống tốt nếu biết chọn cây trồng phù hợp”, anh Pó chia sẻ.
Mỗi năm gia đình anh Thao Lâu Pó thu nhập hàng trăm triệu đồng từ 2ha cây ăn quảTheo anh Pó, điều đặc biệt là đào ở Mường Lát chủ yếu mọc tự nhiên hoặc được trồng xen trong nương rẫy, hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. “Cây chịu khắc nghiệt rất tốt, không phải chăm nhiều, nhưng quả lại ngọt, hơi chua nhẹ, ăn mát và thơm, nhiều người rất thích”, anh nói.
Hướng tới trở thành cây chủ lực
Không chỉ gia đình chị Nính, ở Nhi Sơn giờ đây, rất nhiều hộ dân đã xem cây đào là cứu cánh giúp họ thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Nghị – Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn cho biết, đến nay toàn xã có hơn 300 hộ dân trồng đào với tổng diện tích trên 32 ha, tập trung chủ yếu tại các bản Lốc Há, Cá Ráng, Pù Ngùa và Suối Tút. Mỗi năm, xã thu hoạch khoảng 80 tấn đào, tổng doanh thu ước đạt 2,4 tỷ đồng. Trung bình mỗi ha cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, gấp đôi so với trồng ngô, sắn như trước.
“Nhờ trồng đào, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng khấm khá. Cây đào không chỉ mang lại nguồn thu nhập bền vững, mà còn tạo việc làm mùa vụ cho hàng chục lao động địa phương trong mùa thu hoạch. Từ chỗ bị xem là cây rừng, giờ đào đã trở thành cây trồng chủ lực của Nhi Sơn”, ông Nghị nói.
Đào hái về được bà con mang ra quốc lộ 15C để bán Không dừng lại ở đó, chính quyền xã đang từng bước hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng quả và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Vào dịp Tết, ngoài bán quả, bà con còn bán đào cảnh – mỗi gốc từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Chúng tôi đang vận động bà con ghép mắt, tạo thế để đào cảnh đẹp hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, xã cũng đang xây dựng thương hiệu "Đào Nhi Sơn", kết hợp quảng bá trên các nền tảng số để đưa sản phẩm ra thị trường lớn hơn”, ông Nghị cho biết thêm.
Mùa đào chín, cả bản như rộn ràng hơn, vui hơn. Trên triền đá cằn cỗi, những cây đào vẫn lặng lẽ trổ hoa, đơm trái, góp phần biến giấc mơ no ấm của người Mông nơi biên cương Tổ quốc thành hiện thực.