Mới đây, chị N.T (TP Vinh, Nghệ An) nhận được thư phúc đáp của một công ty tài chính sau khi nhiều lần phản ánh việc mình không vay tiền nhưng liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu thanh toán khoản nợ. Theo đó, công ty nêu trên xác nhận chị T bị kẻ gian sử dụng thông tin cá nhân để làm giả hồ sơ vay tiền. Chị T cho biết: “Từ năm 2019, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi mời vay vốn từ nhân viên của các công ty tài chính và tôi đã từ chối vì không có nhu cầu vay tiền. Đến tháng 10/2020, tôi nhận được thông báo thanh toán khoản nợ quá hạn từ một công ty tài chính. Tìm hiểu thì được biết có một hồ sơ vay tiền mang tên mình, hình ảnh trong hồ sơ là những bức ảnh trên Facebook cá nhân. Do chưa hề vay tiền tại công ty này, tôi từ chối thanh toán khoản vay thì liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần. Sau đó, tôi trình báo sự việc lên cơ quan chức năng thì gần một năm trời, tôi mới nhận được phúc đáp của công ty tài chính khẳng định thông tin của mình bị làm giả”.
Chị T là một trong những nạn nhân của tình trạng bỗng dưng nhận được thông báo phải thanh toán các khoản nợ từ các công ty, tổ chức tài chính diễn ra rất nhiều trong thời gian qua. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Ngày 30/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bảy bị can gồm: Lê Quốc Huy (27 tuổi, trú tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên), Trần Như Ngọc (29 tuổi, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), Nguyễn Huy Anh Tuấn (34 tuổi, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Nguyễn Đại Nghĩa (29 tuổi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình); Ngụy Văn Thạch (29 tuổi, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Trần Tuấn Anh (27 tuổi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) và Trần Văn Hưng (38 tuổi, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Đây là các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân của người khác rồi mua máy móc và các thiết bị về tự làm giả giấy tờ cá nhân. Bằng thủ đoạn này, từ ngày 23/2 đến 29/3, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của một công ty tài chính.
Qua các vụ việc, có thể thấy tình trạng lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để làm giả hồ sơ vay tiền từ các ứng dụng, tổ chức tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, với những thủ đoạn rất tinh vi. Không ít đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống của các công ty dịch vụ nhằm đánh cắp thông tin khách hàng, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty viễn thông,... gọi điện cho khách hàng nhằm có được thông tin, bản chụp giấy tờ cá nhân.
Khi có được các thông tin này, chỉ với những thao tác đơn giản qua những ứng dụng vay tiền, các đối tượng sẽ đăng ký các khoản vay với các công ty tài chính. Thậm chí, không ít đối tượng còn dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký giả mạo tài khoản ngân hàng nhằm giải ngân các khoản vay rồi chiếm đoạt. Khi trở thành nạn nhân của các đối tượng này, người dân sẽ liên tục bị yêu cầu thanh toán các khoản nợ. Không ít người suy sụp tinh thần sau khi liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ các công ty tài chính. Việc chứng minh mình bị ăn cắp thông tin cá nhân cũng sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và kéo theo nhiều hệ lụy. Như trường hợp anh P.D, quận Thanh Xuân, Hà Nội là người kinh doanh tự do. Khi cần vay vốn làm ăn, qua hệ thống ngân hàng xác định anh có một khoản vay quá hạn từ một công ty tài chính vì thế đã không giải ngân cho anh D. Đến nay, sau nhiều tháng trình báo cơ quan chức năng và làm việc với công ty tài chính, anh D vẫn chưa được xác nhận là mình bị ăn cắp thông tin cá nhân để vay tiền.
Hiện, do nhu cầu vay tiền tiêu dùng của người dân tăng cao, các ứng dụng vay tiền, công ty tài chính mọc lên rất nhiều. Nhằm lôi kéo khách hàng, thủ tục cho vay của những công ty này ngày càng đơn giản. Thậm chí, có những ứng dụng, người vay chỉ cần tạo tài khoản, cung cấp số CMND/CCCD kèm bản scan phô-tô là đã có thể vay tiền. Điều này dẫn đến một số đối tượng dễ dàng dùng thông tin cá nhân của người khác để chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính, đẩy khoản vay sang người khác.
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Về nghĩa vụ trả nợ, theo Điều 466 của luật này thì bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, theo pháp luật hiện hành, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có sự thỏa thuận về vay nợ và người vay có nghĩa vụ trả nợ. Vì thế, một người bị lấy cắp thông tin cá nhân để vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ do không có sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trên thực tế việc chứng minh mình bị lấy cắp thông tin cá nhân là không hề dễ dàng, thậm chí nhiều người do bị đe dọa đã chấp nhận thanh toán các khoản vay.
Để không trở thành nạn nhân của các vụ chiếm đoạt tài sản qua hình thức đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, người dân cần hết sức cảnh giác, không để lộ thông tin cá nhân; tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì của mình cho những đối tượng lạ mặt. Khi bị mất giấy tờ tùy thân, cần nhanh chóng thông báo với các cơ quan có thẩm quyền. Khi bị các đối tượng đe dọa, yêu cầu thanh toán các khoản nợ mình không hề vay, cần sớm trình báo sự việc đến cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.