Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra cảnh báo, mới đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo mua bán hàng hóa có giá trị lớn. Người mua hàng nhận hàng, kiểm tra đúng, đủ số hàng cần mua sau đó mới thanh toán, nhưng vẫn bị lừa mất tiền. Đây là bởi các đối tượng vừa giả làm người bán hàng, vừa giả làm người mua hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Nguyễn Thị Hoa (chủ tiệm vàng Hoa Phi, thị trấn Yên Cát, Như Xuân, Thanh Hóa) kể lại, mới đây chị nhận được điện thoại của một người tên Duy ngỏ ý muốn bán cho chị 3 cây vàng với giá rẻ hơn giá thị trường. Người này cho biết, số vàng muốn bán đang được gửi ở một tiệm vàng cách tiệm vàng của gia đình nhà chị chỉ vài trăm mét. Nếu chị đồng ý mua, thì đến đó lấy vàng, nhận đủ vàng mới phải chuyển tiền mua vàng qua tài khoản. Chị đã tin tưởng nghe theo mà không biết mình bị lừa.
Đối tượng tên Duy chỉ dàn dựng lên chuyện gửi vàng ở tiệm vàng Thiên Bảo để bán cho tôi chứ chưa hề thanh toán tiền mua vàng cho tiệm vàng Thiên Bảo", chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
Còn tại tiệm vàng Thiên Bảo, nơi đối tượng lừa đảo dựng chuyện gửi 3 cây vàng muốn bán cho chị Hoa. Trong vai người mua vàng, kẻ xấu cũng đã gọi điện cho chị, dựng chuyện muốn mua 3 cây vàng.
"Đối tượng tên là Duy cũng có gọi điện cho tôi nói là ngoài số vàng mua của chị Hoa (chủ tiệm vàng Phi Hoa), thì cũng muốn mua thêm của tôi 3 cây vàng nữa và nhờ chị Hoa đến lấy. Tôi cũng đã gọi điện cho chị Hoa và được chị ấy xác nhận về việc này nên khi chị Hoa đến lấy vàng, tôi cũng không yêu cầu chị chuyển tiền ngay nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc như vậy", chị Lê Thị Yến, chủ tiệm vàng Thiên Bảo, thị trấn Yên Cát, Như Xuân Thanh Hóa, cho biết.
Mới đây tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, một người đàn ông gọi vào số điện thoại của chị M là chủ cửa hàng vàng bạc P.A ở thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất tự xưng tên Quang, đặt mua 2 cây vàng.
Người này yêu cầu chị M giao vàng cho chị H là chủ cửa hàng vàng bạc ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất và nói sau khi chị H xác nhận đủ 2 cây vàng thì sẽ chuyển tiền qua tài khoản cho chị M.
Cũng vào khoảng thời gian này, chị H là chủ cửa hàng vàng bạc nhận cuộc gọi tương tự nói cần bán 2 cây vàng. Số vàng này, đối tượng sẽ nhờ chị M giao đến cho chị H, sau khi nhận được vàng, chị H chuyển tiền cho đối tượng qua số tài khoản.
Sau khi 2 chủ cửa hàng giao, nhận vàng xong, chị H chuyển tiền thành công cho đối tượng Quang. Còn chị M đợi mãi không thấy Quang chuyển tiền cho mình. Lúc này, chị mới tá hoả liên hệ với chị H để hỏi thì chị H trả lời đã mua số vàng đó của người tên Quang qua điện thoại và chuyển đủ tiền cho người này.
Sau nhiều lần liên lạc với người tên Quang nhưng không được, cả chị H và chị M mới biết mình bị lừa nên đã đến trình báo với Công an.
Cũng với thủ đoạn tương tự, lừa cả đầu mua và đầu bán, một đối tượng lạ mặt đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 70 triệu đồng tiền thuốc của 2 chủ cửa hàng kinh doanh thuốc trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với chiêu thức này, vô tình cả 2 cơ sở kinh doanh đã trở thành bị hại của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, nhận tiền thành công, các đối tượng sẽ tắt điện thoại, khoá sim và “biến mất”.
Qua các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an khuyến cáo đây là thủ đoạn mới của tội phạm nên người dân cần cẩn trọng khi mua, bán những hàng hóa có giá trị qua mạng xã hội, qua điện thoại đề phòng kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đảm bảo an toàn trong mua bán hàng hóa
Vừa giả làm người bán hàng, vừa giả làm người mua hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một lúc đóng cả 2 vai, lừa cả 2 bên. Vậy biện pháp nào để có thể nhận biết và ngăn chặn hiệu quả chiêu trò này?
Trong quá trình giao dịch, mua bán hàng hóa, người dân người dân, các chủ cơ sở kinh doanh cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ danh tính của các đối tác, khách hàng.
"Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, đặc biệt là các loại hàng hóa có giá trị lớn, chúng ta nên làm việc trực tiếp, không qua trung gian. Khi chuyển tiền mua hàng cần kiểm tra kỹ danh tính bạn hàng, số tài khoản nhận tiền có đúng là của chủ thực hiện giao dịch mua bán với mình hay không, đề phòng các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Trung tá Lê Hữu Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Như Xuân, Thanh Hóa, khuyến cáo.
"Mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến nhận diện những người có thể thực hiện hành vi phạm tội; phải có những cách thức để bảo vệ nguồn tài sản của mình như lưu giữ lại những tin nhắn, những clip ghi nhận hình ảnh đối tượng, quá trình trao đổi thông tin của đối tượng để trong những trường hợp cần thiết có thể phối hợp và cung cấp cho đơn vị chức năng, để thực hiện các hoạt động ra soát nhằm lấy lại tài sản đã bị mất", Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Khoa Nghiệp vụ điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, nói.