Đến tham dự minh chứng cho buổi lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam; Hòa thượng Chau Ty - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Cùng Chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ, Hệ phái Nam Tông kinh các tỉnh thành Nam Bộ. Đặc biệt, có mặt tham dự của Chư tăng Phật giáo Quốc tế đến từ 13 nước Châu Á và hơn 10.000 Chư tăng, Phật tử, đồng bào Khmer trong khu vực.
Về phía chính quyền có: Ông Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; Thiếu tướng Võ Hùng Minh - Phó Cục trưởng Cục An ninh Nội địa; ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc Địa phương - Ủy ban Dân tộc; ông Lê Minh Khánh - Trưởng phòng Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể TP. Cần Thơ.
Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thay mặt cho Hội đồng điều hành Học Viện cho biết, GHPG Việt Nam cả nước có 4 Học viện gồm: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP. Cần Thơ.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là Học viện thứ tư của GHPG Việt Nam được Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép GHPG Việt Nam thành lập năm 2006, được UBND TP. Cần Thơ cấp 6,7 ha đất. Hiện nay, UBND TP. Cần Thơ giao Viện Kiến trúc Xây đựng để giúp đỡ Học viện thiết kế mô hình, bảng vẽ tổng thể công trình kiến trúc, tọa lạc tại Khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ gồm 14 hạng mục. Ngày 25/3/2017, tổ chức lễ Đặt đá đầu tiên được xem là mốc quan trọng trong việc mở đầu cho xây dựng Học viện là cơ sở đào tạo Tăng sinh.
Dưới sự vận động xã hội hóa, sự tài trợ của Trung ương GHPG Việt Nam vận động Tập đoàn VINGROUP, Hội Từ thiện Thiện Tâm cúng dường công đức xây dựng, đến nay đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Khu Hiệu bộ. Công trình nhà Trai đường và nhà bếp được sự tài trợ 10 tỷ đồng của Trung ương GHPG Việt Nam đến nay đã hoàn thành như ý nguyện.
“Trai đường Học viện xây dựng được khang trang như ngày hôm nay, đó là nhờ sự gia hộ của Tam bảo, sự hỗ trợ cúng dường của Chư tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội. Với tinh thần trách nhiệm do Trung ương GHPG Việt Nam giao phó, tinh thần đoàn kết hòa hợp, sự quan tâm công đức cúng dường trí lực, tài lực, vật lực và sức lực cho công trình xây dựng nhà Trai đường được thành tựu viên mãn. Hội đồng điều hành sẽ tiếp tục hoàn thiện công trình Chánh điện, mong rằng Quý Ngài và quý liệt vị tiếp tục quan tâm, ủng hộ cho công trình xây dựng chánh điện sớm được hoàn thành”, Hòa thượng tri ân và mong muốn.
Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, đến chúc mừng Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại buổi Lễ Khánh thành công trình Trai đường thuộc Dự án Học viện Phật giáo Nam tông Khmer: Ngoài chức năng giáo dục, Học viện còn tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như: Lễ Dâng y Kathina, Lễ nhập hạ, Lễ Phật đản… đặc biệt, hôm nay nhân dịp Lễ khánh thành Trai đường, Hội đồng Điều hành Học viện kết hợp tổ chức Lễ đặt bát hội cho gần 3.000 vị chư Tăng. Đây là một nghi lễ tôn giáo có ý nghĩa quan trọng, mang tính đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, gắn liền với truyền thống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
“Sau Lễ khánh thành ngày hôm nay, GHPG Việt Nam, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm về mặt vật chất lẫn tinh thần để hoạt động của Học viện ngày một phát triển, đào tạo được nhiều vị Tăng tài, công dân giỏi của đất nước”, ông Hiện nhấn mạnh
Tại buỗi lễ, Ban Tổ chức đã cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam ban đạo từ, Học Viện Phật giáo Nam tông được thành lập tại TP. Cần Thơ, là vì Chính phủ thấy rõ nước chúng ta có 54 dân tộc. Dân tộc Khmer đông và hầu hết theo tín ngưỡng Phật giáo, cho nên vấn đề giáo dục Phật giáo cho đồng bào Khmer là rất cần thiết và nguyện vọng đó rất chính đáng, do cố Hòa thượng Danh Nhưỡng - Phó pháp chủ đề nghị thành lập trường. Sau đó, được UBND TP. Cần Thơ đồng ý, rồi được cấp đất xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông tại Cần Thơ.
“Tôi Kỳ vọng, Học viện này chẳng những đào tạo Chư tăng Nam tông Khmer tại vùng Tây Nam Bộ, mà còn kết nối với tất cả các nước trên ở thế giới. Trong hệ thống giáo dục tiếng Pali ta gọi là Nam truyền Phật giáo để cùng nhau hợp tác, nghiên cứu một nền đạo đức cho nhân loại...”, Đại lão Hòa thượng kỳ vọng.
Dịp này, GHPG Việt Nam cũng tuyên dương công đức của 3 tập thể và 17 cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Phật sự và các hoạc động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Trước lễ khánh thành Trai đường, tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer diễn ra Lễ đặt bát hội cúng dường cho gần 3.000 Chư tăng. Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của chư Tăng Phật giáo Quốc tế đến từ các nước: Thailand, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Lào, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka…
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức tái hiện lại Giáo đoàn Nguyên thủy thời đức Phật - Vân du khất thực, giáo hóa chúng sinh theo truyền thống tăng đoàn “Cổ Phật khất thực”. Đây là những hình ảnh quý báu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn tại thế và được truyền thừa từ ngàn xưa đến ngày nay.
Khất thực là một trong những nghi thức tu tập quan trọng của Tăng già Phật giáo Ấn Độ do đức Phật chế ra. Phật dạy đã là một vị Tăng sĩ điều trước tiên phải hành pháp khất thực. Vì vậy, khi Phật giáo truyền vào Đông độ, Tăng già vẫn như cổ lệ trì bình khất thực giáo hóa nhân gian, ôn lại truyền thống tốt đẹp thời đức Phật còn trụ thế, gieo trồng những hạt giống lành cho hàng Phật tử tại gia...