Cách đây vài năm, từ nguồn kinh phí và vật liệu đi xin được của một doanh nghiệp trên địa bàn, bà con thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn đã cùng góp công, góp sức để xây cổng phân hiệu trường Tiểu học. Và hôm nay, tự tay họ lại phải đập bỏ công trình ấy, bởi qua rà soát, trụ cổng không có cốt thép, địa thế lại không bảo đảm an toàn. Dù tiếc nuối, nhưng chính họ, những người trực tiếp tham gia xây dựng cũng không đủ niềm tin vào chất lượng công trình.
“Khi được doanh nghiệp hỗ trợ tiền, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi vì có thể xây dựng cổng trường khang trang hơn. Tuy nhiên, chúng tôi là nông dân, chưa được tập huấn hay học qua trường lớp nào nên không nắm được kĩ thuật xây dựng là gì, nghĩ thế nào thì xây như thế, chỉ cốt là thành hình cái cổng là được. Bây giờ, các ban ngành chức năng đi kiểm tra kết luận là cổng trường không bảo đảm an toàn, dù rất tiếc nhưng cũng phải đập bỏ vì sự an toàn của thầy cô và học sinh trong trường”, ông Bàn Cờ Tiến, Trưởng thôn Nậm Miện cho biết.
XHH giáo dục là hình thức vận động và tổ chức các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp cùng chung tay tạo lập nhằm cải thiện môi trường lành mạnh, thuận lợi cho hoạt động giáo dục. Nhờ nguồn XHH, chỉ trong ít năm, trường Tiểu học xã Thẳm Dương có thêm nhiều công trình được xây dựng.
Tuy vậy, vừa qua nhà trường đã phải đập bỏ 3 công trình, trong đó có 2 cổng phân hiệu trường. Điều đáng nói là, ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng những công trình này, ngay cả người trong cuộc cũng đã không thực sự tin tưởng vào mức độ an toàn, nhưng bởi đây là nguồn kinh phí được hỗ trợ, nên có bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thẳm Dương cho biết: 3 cổng trường xây dựng có khác nhau, có điểm trường thì xin được nhiều kinh phí, có điểm được ít kinh phí hơn. Chính vì thế, thiết kế các cổng trường cũng khác nhau.
"Tuy nhiên, tất cả các cổng trường đều xây không có cốt thép, mà chỉ được xây bằng xi măng gạch và cát. Chúng tôi cũng biết là không bảo đảm theo yêu cầu kỹ thuật, nhưng trước mắt xây để bảo đảm mô hình trường học", thầy Thắng chia sẻ.
Tại huyện Văn Bàn đã có tới 16 cổng trường được xây dựng từ nguồn xã hội hóa bị đập bỏ. Việc đập bỏ này là do nhà trường và các địa phương nhận thấy các công trình không được bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, và tất cả các cổng trường này đều không có cốt thép, chỉ được xây bằng gạch, như vậy nguy cơ là có thật.
Ông Trần Văn Thùy - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn
Ông Trần Văn Thùy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cho biết: Với một huyện còn nhiều khó khăn như Văn Bàn, những công trình được xây dựng từ nguồn XHH có ý nghĩa rất lớn đối với ngành giáo dục. Theo thống kê, từ 2015 đến hết năm 2019, ngành giáo dục huyện đã huy động được trên 56 tỷ đồng XHH. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng bổ sung phòng học và các công trình phụ trợ khác, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh đến trường học tập. Tuy nhiên, sau những sự cố nghiêm trọng đã xảy ra và kết quả kiểm tra, rà soát lại thì mới thấy, có nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện các công trình này.
“Từ đầu tháng 9 đến nay, qua rà soát chúng tôi đã cho đập bỏ 16 cổng trường được xây dựng từ nguồn XHH. Việc đập bỏ này là do nhà trường và các địa phương nhận thấy, các công trình không được bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, và tất cả các cổng trường này đều không có cốt thép, chỉ được xây bằng gạch, như vậy nguy cơ là có thật. Chính vì thế, bắt đầu từ năm học này, chúng tôi chỉ đạo các trường phải tăng cường quản lý, giám sát đối với các công trình XHH trường học”, ông Thùy nhấn mạnh.
Như vậy, sau những tai nạn đáng tiếc xảy ra, qua việc nhận diện nguy cơ mất an toàn trường học, ngành giáo dục huyện Văn Bàn nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung đã có những sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Cùng với việc tìm giải pháp khắc phục phù hợp nhất cho những công trình XHH hiện có, câu chuyện tiếp theo cần tính đến là, việc tiếp nhận nguồn lực đầu tư quan trọng này, từ nay về sau sẽ như thế nào cho phát huy được hiệu quả tích cực.
“Đối với các nhà trường ở địa bàn còn nhiều khó khăn, thì chủ trương vẫn tiếp tục kêu gọi nguồn XHH, tuy nhiên chúng tôi yêu cầu, các địa phương vào cuộc tích cực trong công tác quản lý, rà soát. Với các nhà trường, chúng tôi cũng có hướng dẫn rất cụ thể về việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn và từ đó có biện pháp để xử lý cho bảo đảm”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết.