Tuy nhiên, “nhanh nhảu” thông tin khi chưa có bằng chứng hay kết luận cụ thể của cơ quan chức năng sẽ gây nên những hệ lụy đa chiều.
Xin dẫn lại vụ cà phê “Pin”. Đành rằng, thời gian qua đã có quá nhiều vụ làm cà phê giả, cà phê bẩn, dùng hóa chất để tẩm ướp, cũng như độc tính khủng khiếp của các hóa chất có trong Pin càng tăng thêm tính nhạy cảm của vấn đề. Nhưng việc thông tin “nhanh nhảu” quá không chỉ khiến người trồng cà phê điêu đứng mà còn ảnh hưởng tới mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Ai hay nỗi khổ của người trồng cà phê sau những thông tin cà phê “bẩn”. Gần đây, giá cá phê ở Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã giảm tới 10.000 đồng/kg so với tháng 6/2017; hiện dao động ở mức 36-37 nghìn đồng/kg.
Có lẽ không khó hiểu khi nông dân Tây Nguyên đồng loạt chặt hạ cà phê chuyển sang trồng tiêu, bơ, rồi lại phá tiêu trồng lại cà phê.
Bởi sau mỗi vụ cà phê bẩn, thương hiệu cà phê Việt phần nào bị ảnh hưởng và giá cả có thể vì thế cũng giảm.
Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2017, xuất khẩu cà phê đã đạt 3,2 tỷ USD và trong quý I/2018 là gần 1 tỷ USD. Cà phê đã và đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, là cây trồng giúp nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, Tây Bắc thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ấy vậy, trong khi toàn ngành hàng cà phê đang nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu thì những vụ việc cà phê “bẩn”, dù là cá biệt nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam. Sau mỗi vụ việc, người trồng cà phê, và cả người bán cà phê sẽ lại nhọc nhằn trên hành trình lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải thừa nhận: “Với thị trường thế giới, qua mỗi vụ việc như thế sẽ tạo ra tâm lý chung là lo ngại, ác cảm đối với sản phẩm cà phê Việt Nam”.
Có khi chỉ vì những mẩu tin “gây sốc”, chưa được cơ quan chức năng kết luận nhằm lôi kéo người đọc mà làm hại cả một nền công nghiệp đang non trẻ. Vậy nên việc đưa tin, cho dù là tin đáp ứng cần hết sức cân nhắc.
SỸ HÀO